Tản mạn

Đồng phục

- Thứ Ba, 18/01/2022, 06:09 - Chia sẻ
Một trang phục có vẻ không liên quan lắm tới bối cảnh của câu chuyện. Đó có thể là một chiếc áo bảo hộ lao động được tận dụng lại từ bộ đồng phục học sinh...

Xem video phỏng vấn anh thợ sửa điều hòa cứu được em bé trong đám cháy, tôi rất thích cái áo mà anh ấy mặc. Đó là một chiếc áo đồng phục học sinh cấp 2 - 3 gì đó. Một trang phục có vẻ không liên quan lắm tới bối cảnh của câu chuyện này. Đó có thể là một chiếc áo bảo hộ lao động được tận dụng lại từ bộ đồng phục học sinh. 

Có lần tôi về quê nội thì thấy bóng đồng phục trường cấp 3 cũ của tôi thấp thoáng trên cánh đồng (mà sau thì biết rằng đó chính là áo của tôi luôn). Tôi để ý thì thấy phía sau nó là cả một câu chuyện. Vốn là sau khi tôi vào đại học, không mặc áo đó nữa thì bố tôi mới gói lại mang về quê cho các em họ tôi (vì quê nội tôi còn nghèo). Mẹ tôi hay bảo bố là bây giờ người nhà quê họ không thích những thứ như thế nữa đâu, mang về mang tiếng ra. Thật ra thì mẹ tôi nói cũng có lý vì mỗi khi về quê, tôi thấy thanh niên trẻ họ cũng ăn mặc tân thời lắm. Bố tôi không nghe. 

Thế thì cái áo ấy ban đầu đến tay một cậu em họ thật, 1 - 2 năm sau cậu ấy đi học Đại học ở Hà Nội và truyền lại cho ông bố, chú này hay mặc nó đi làm thợ xây, một thời gian sau thì ốm nên cô vợ đem cất đi. Một ngày nọ cô ấy lại đưa cho người hàng xóm mượn đi gieo mạ. Kể ra cũng hợp vì cái lớp ngoài của áo nó là vải pha nilon, bên trong thì có thêm ít bông nên mặc cũng khá ấm và giúp chống nước trong cái tiết trời ẩm ương của vụ đông xuân ở miền Bắc. Rồi sau đó chiếc áo này chắc còn được sử dụng vào một số các mục đích khác nữa...

Nó cũng làm tôi nhớ tới chính mình khi còn nhỏ. Thời đó tôi hay dùng lại sách học của anh trai tôi (những năm ấy người ta chưa thay đổi sách xoành xoạch như bây giờ). Anh trai tôi thì có cái nết khi bé là không được cẩn thận cho lắm, nên lắm khi tôi nhận lại một bộ sách mà bìa nó gần rụng ra rồi. Những năm ấy còn có phong trào bọc sách bọc vở, thế thì tôi nghĩ là nếu mua giấy bọc thật đẹp về bọc lại thì vẫn ổn thôi. Nhưng khổ cái là khi đi mua giấy bọc thì tôi chỉ đòi mua bọc vở hình sôn-gô-ku hoặc thủy thủ mặt trăng xanh đỏ lấp lánh ánh hồng nên bố tôi không ưng cho lắm. Bố tôi bảo tôi là cái chất giấy đó nó mỏng manh như vậy thì bọc làm gì. Cuối cùng về nhà, bố tôi mới lựa bìa tạp chí cũ, gỡ ra để bọc sách cho tôi (vì bìa mấy cuốn này khá là bền). Cho tới giờ, tôi nghĩ rằng mình là em bé duy nhất ở Việt Nam thời ấy có nguyên một bộ sách giáo khoa được bọc bằng bìa tạp chí. 

Ngày nay, nếu ai đó có vô tình nhìn thấy một người lao động trong bộ đồng phục thể dục của trường đại học hay trong bộ quần áo đồng phục học sinh cũ, hoặc một em bé đến trường với một tập sách bọc bìa tạp chí trong cặp, thì hãy nghĩ rằng ở phía sau đó là cả một cuộc hành trình. Ở điểm này tôi cho rằng hình thức thì không phản ánh chức năng như ta từng nghĩ. Quả thực là khi đứng ở một vị trí để quan sát tất cả, những chuyện xảy ra với người khác và với chính mình, thì người ta không khỏi mỉm cười. 

Lê Quang (từ Berlin)