Đồng Nai: Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn

- Thứ Năm, 28/10/2021, 15:22 - Chia sẻ
Để lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đối thoại với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và giải quyết kịp thời những nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là vốn tín dụng, ngày 27.10, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai cùng đại diện 35 ngân hàng thương mại và nhiều doanh nghiệp, hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đã trao tặng các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Đồng Nai. Cụ thể, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trao tặng tỉnh 2,5 triệu bộ kít xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19; Tập đoàn Phương Trang (FUTA Group) trao tặng tỉnh các loại thiết bị, vật y tế gồm: 3 máy thở xâm lấn ICU, 13 máy trợ thở HFNC, 740 máy tạo oxy lưu lượng cao, 600 máy đo nồng độ oxy SpO2 và 100 nghìn găng tay y tế cùng 200 tấn rau củ quả. Đại diện Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trao tặng 10 tỷ đồng và 1 nghìn tấn gạo.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 9, có hơn 10,8 nghìn khách hàng được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với dư nợ hơn 5,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 9,5 nghìn khách hàng với dư nợ (gốc, lãi) hơn 2,9 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch Covid-19 từ 0,5 - 2% với doanh số lũy kế đạt gần 200 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay mới đạt hơn 57,2 nghìn tỷ đồng của 25,5 nghìn khách hàng.

Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hội, hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh đã kiến nghị nhiều ý kiến, mong muốn đến ngành Ngân hàng như: cần có thêm chương trình hỗ trợ kịp thời về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ… xem xét, thẩm định về thủ tục, điều kiện cho vay, tiêu chí để chứng minh thiệt hại do dịch bệnh một cách phù hợp và bảo đảm các quy định.

Ghi nhận những ý kiến phản ảnh của các hiệp hội, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ, thời gian qua, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại là dòng tiền để duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất nên cần được tiếp vốn hoặc giảm, giãn thời gian trả nợ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cũng cần phải ghi nhận để phản ảnh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc nới lỏng chính sách hơn. Riêng đối với Đồng Nai, việc ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân là nhất quán. Doanh nghiệp cũng cần hợp tác chặt chẽ với chính quyền trong kiểm soát dịch bệnh, xử lý các tình huống phát sinh một cách tốt nhất để duy trì sản xuất ổn định…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho hay, sẵn sàng tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp thông qua điện thoại để lắng nghe những khiếu nại, chấn chỉnh bộ máy chính quyền nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của địa phương, với tinh thần cầu thị, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp. Mục tiêu là phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn nhưng cũng kiểm soát rủi ro, để Đồng Nai giữ vững vị thế là địa phương đáng được ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp.

Vân Phi