Bạc Liêu:

Động lực trong xây dựng nông thôn mới

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 06:57 - Chia sẻ
Việc thành lập hợp tác xã (HTX) ở các xã nông thôn mới một cách có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động và có tác động sâu sắc đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hội nhập sâu nền kinh tế toàn cầu. Đây được xác định là động lực quan trọng hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thúc đẩy liên kết, hội nhập sâu rộng

Có thể thấy, thành lập HTX ở các xã nông thôn mới không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, hình thành nên những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng, mà còn là yêu cầu mang tính bắt buộc để đáp ứng được các quy định trong hội nhập kinh tế thế giới mà liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chính là xu thế tất yếu.

Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải (huyện Đông Hải) Tạ Hoàng Nhiệm khẳng định, “muốn nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững thì nông dân phải tham gia HTX. Cụ thể, muốn xuất khẩu con tôm sang thị trường châu Âu thì phải có giấy chứng nhận ASC (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường) theo quy định của quốc tế; còn muốn liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để bán tôm được giá cao cũng phải có giấy chứng nhận này. Do vậy, bản thân nông dân không thể tự làm giấy chứng nhận ASC mà phải thông qua một tổ chức và HTX chính là nơi để giúp nông dân làm điều đó”.

Vai trò của HTX, ngoài việc tạo nên sức mạnh tổng hợp để chủ động về sản xuất, thị trường tiêu thụ, đây còn là nơi duy nhất nhận được sự đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước trong việc tham gia các dự án phục vụ cho phát triển bền vững. Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) Đinh Xuân Lập cho biết, “nhằm giúp nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ICAFIS chọn các HTX để hỗ trợ. Vì chỉ có HTX mới có thể cùng với doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và thực hiện các quy định của quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững. Mặt khác, phát triển HTX là nhu cầu tất yếu trong liên kết nông nghiệp và giúp nông dân tăng thu nhập, giải quyết thêm nhiều việc làm cho những hộ nông dân ít hoặc không có đất sản xuất”.

Tổ dịch vụ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Thu hút nhiều hộ nghèo không có tư liệu sản xuất cùng hợp tác    

Trên thực tế, thời gian qua, ngoài những HTX phát huy được hiệu quả thì vẫn còn tình trạng thành lập HTX mang tính hình thức, nhằm đạt các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới. Vì thế có nhiều HTX được thành lập nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn sau đó nhanh chóng giải thể, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, không phát huy được hiệu quả, cụ thể nhất là các thành viên không tham gia góp vốn...

Chưa kể, không ít những HTX đến nay vẫn còn mang nặng tư tưởng thành lập HTX để trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chỉ tham gia HTX khi nhận được sự đầu tư về tín dụng, ưu đãi về hạ tầng, hay dựa dẫm vào các chính sách khác. Thực tế cho thấy, HTX nào vượt khỏi tư tưởng này và chủ động hội nhập, nắm bắt nhu cầu thị trường và năng động trong sản xuất - kinh doanh thì hầu như phát triển rất mạnh và hình thành nên những HTX “đầu đàn” với lợi nhuận mang lại hàng chục tỷ đồng/năm.

Tiêu biểu có thể kể đến HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) với thế mạnh là sản xuất và giúp nông dân bao tiêu lúa gạo; HTX Cua giống Gành Hào (xã Định Thành A, huyện Đông Hải) với việc cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm; HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) với việc liên kết với các HTX nuôi Artemia phục vụ cho thị trường xuất khẩu… Do vậy, việc thành lập HTX ở các xã nông thôn mới cần tuân thủ nguyên tắc của HTX, đó là để nông dân, doanh nghiệp tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và hợp tác vì sự phát triển của cộng đồng, thay vì hành chính hóa theo kiểu chỉ định “nhìn mặt đặt tên”.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng có nhiều HTX đã thu hút được những hộ nghèo không có tư liệu sản xuất vào hợp tác để phát triển. Đơn cử, HTX Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 2.000 thành viên mà chiếm phần lớn là hộ dân tộc Khmer và hộ nghèo không đất sản xuất với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, hạn chế tình trạng khai thác nguồn lợi con giống theo kiểu hủy diệt, bán rẻ tài nguyên khi vào mùa nghêu, sò giống và phát huy có hiệu quả nguồn lợi này.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long Trần Văn Liêm, phát triển HTX là tiền đề đưa nền sản xuất - kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang nền kinh tế tập thể có quy mô và sản lượng lớn, tạo các liên kết đầu vào, đầu ra ổn định, hướng tới phát triển bền vững, góp phần đáng kể giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phước Long đều có HTX được thành lập đi vào hoạt động và được nhân rộng trên địa bàn; sản phẩm được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực như lúa, tôm, cua, cá...; bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm gắn với phát triển các dịch vụ tưới tiêu, dịch vụ du lịch, dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.

Các HTX nông nghiệp - thủy sản đều làm ăn có lãi, liên kết với các công ty, doanh nghiệp mang tính ổn định, sản phẩm của các HTX sản xuất được bao tiêu trên 82%, cá biệt có nhiều HTX đạt từ 98% trở lên; nhiều sản phẩm đăng ký với các công ty, doanh nghiệp bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có biên bản ghi nhớ với các thành viên và doanh nghiệp; thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX đạt từ 75 triệu đồng/người/năm, cao hơn 15% so với thu nhập bình quân đầu người của lao động nông thôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long Trần Văn Liêm cho biết thêm.

Thảo Tâm