Đồng hành với đất nước

- Thứ Bảy, 09/01/2010, 00:00 - Chia sẻ
Trong nửa thế kỷ qua, khoa học và công nghệ Việt Nam đi lên và phát triển bằng những hy sinh thầm lặng và lao động quên mình của bao thế hệ các nhà khoa học; đóng góp cho sự nghiệp phát triển KT- XH của đất nước và sự phồn vinh của dân tộc. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, hoạt động khoa học và công nghệ gắn kết chặt chẽ hơn với sản xuất, đời sống đã nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.

05-Dong-hanh-910-300.jpg

Nông nghiệp vượt trội

Có thể cụ thể hóa những thành quả của khoa học và công nghệ (KH và CN) bằng góc nhìn từ lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã chọn tạo và tuyển được gần 170 giống lúa mới, trong đó có nhiều giống được phát triển trên diện rộng. Nhờ đó, tới nay nông dân đã gieo trồng trên 80% diện tích bằng các giống lúa cải tiến. Riêng các tiến bộ về giống lúa hàng năm đã làm lợi cho sản xuất hàng ngàn tỷ đồng. Việt Nam chiếm luôn ngôi vị quán quân ở khu vực Đông Nam Á về năng suất lúa, khi tăng từ 30 tạ/ha lên gần 50 tạ/ha; và trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới sau những năm triền miên thiếu lương thực.

Năng suất của cây ngô, cây công nghiệp cũng không chịu kém cạnh. Sản lượng ngô trong vòng gần chục năm đã tăng gần chục lần, trong đó các giống ngô lai của Việt Nam chiếm khoảng 40% thị phần. Năng suất mủ của cây cao su Việt Nam đạt trung bình 1,55 tấn/ha, chỉ sau Thái Lan và âËn Độ (1,75 tấn/ha).

Theo lời Thứ trưởng Bộ KH và CN Lê Đình Tiến, các kết quả hoạt động KH và CN là một trong những nhân tố quyết định nâng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 17,9% năm 1986 lên 27% năm 2008. Năm 2009, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2009 dự kiến ước đạt hơn 15 tỷ USD. Cá tra, tôm sú Việt Nam đứáng hàng đầu thế giới về sản lượng, chất lượng và thị trường. Doanh thu nuôi 1 vụ tôm và 1 vụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 45- 50 triệu đồng/ha; nếu nuôi thâm canh tôm sú, cá tra, cá biển, tôm hùm có thể đạt 300 triệu đến 1 tỷ đồng/ha... Đây là thành quả của chương trình nạc hóa đàn lợn với các công thức lai giữa lợn ngoại và lợn nội đã cho tỷ lệ nạc cao; nhiều giống gia cầm siêu trứng, cao sản đã được chọn lọc và thích nghi trong điều kiện sản xuất trong nước; các kết quả nghiên cứu về sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản đã đạt trình độ tương đương thế giới và khu vực... 

Công nghiệp tiên tiến

Những đổi mới trong công nghiệp, đặc biệt là sản xuất cơ khí, chế tạo kết cấu thép chuyên dụng, đóng tàu, điện tử, dầu khí, khai thác tài nguyên khoáng sản… đã góp phần làm cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao liên tục trong những năm qua. Hiện đội ngũ cán bộ KH và CN của Việt Nam đã làm chủ được các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực đóng tàu, sản xuất thành công tàu 53.000 tấn, kho nổi chứa xuất dầu 150.000 tấn, đang đóng tàu chở dầu thô 100.000 tấn và tàu chở 6.900 ôtô…, tự thiết kế và chế tạo trong nước được trạm biến áp công suất 250MVA, điện áp 220kV.

Việt Nam có khả năng thiết kế và chế tạo nhà máy ximăng công suất trên 1,4 triệu tấn /năm với tỷ lệ nội địa hóa cao trên 70% về khối lượng, chế tạo dây chuyền đồng bộ sản xuất ximăng lò quay công suất 2.500 tấn klanke/ngày với tỷ lệ nội địa hóa toàn bộ dây chuyền đạt 70% về khối lượng và 50% về giá trị. Nhiều doanh nghiệp cơ khí đã có năng lực thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí phức tạp, mà trước đây vốn phải nhập khẩu hoàn toàn, làm lợi cho đất nước hàng trăm triệu USD. Ngoài ra, các lĩnh vực luyệån kim, hóa chất, chế biến thực phẩm, công nghiệp hàng tiêu dùng cũng đã có nhiều đổi mới về công nghệ, nâng cao công suất đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong các lĩnh vực khác, khoa học tự nhiên đã nghiên cứu được nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao như xử lý và nhận dạng chữ Việt, sản xuất bộ chẩn đoán bệnh do virus; lĩnh vực thông tin truyền thông đã tiếp nhận, vận hành và khai thác hiệu quả vệ tinh Vinasat 1...

Rút ngắn khoảng cách

Bên cạnh việc cung cấp cơ sở khoa học và thông tin cần thiết để lãnh đạo đảng và nhà nước có các quyết sách kịp thời, KH và CN còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học giữa Việt Nam với các nước.

Báo cáo của Bộ KH và CN cho biết, các đề tài nghiên cứu KH và CN, nhất là các đề tài cấp nhà nước đã tập hợp lực lượng cán bộ KH và CN nhiều nơi, cùng nhau nghiên cứu, giải quyết các vấn đề do thực tiễn sản xuất và đời sống đặt ra. Qua đó, đã giúp nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ nghiên cứu nước ta và hình thành một số tập thể khoa học mạnh trong một số hướng nghiên cứu như: công nghệ viễn thám, sinh học phân tử, công nghệ nanô, công nghệ gene..., đủ sức giải quyết những vấn đề liên ngành, đòi hỏi trình độ khoa học cao.

Trong 10 năm qua, số lượng kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học và các hội nghị quốc tế cũng như số bằng sáng chế của người Việt Nam tăng lên đáng kể. Chúng ta đã đủ sức đăng cai tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế tại Việt Nam và nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học nước ngoài. Ví dụ như, thông qua chương trình nghiên cứu về công nghệ sinh học, trình độ của Việt Nam đã đạt mức tương đương như Thái Lan, Indonesia, Philippines trong khi tổng đầu tư của ta trong các năm qua chỉ bằng 1/7 đầu tư của Thái Lan năm 2001.

Thực hiện các quy định của Bộ KH và CN về kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong thực hiện nhiệm vụ KH và CN, nhiều cán bộ khoa học tham gia đề tài đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ. Các hoạt động nghiên cứu khoa học trong đại học đã có tác động đến việc phát triển, quảng bá công nghệ mới thông qua quá trình đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên. Những cán bộ kỹ thuật này sau khi tốt nghiệp và làm việc trong các môi trường sản xuất kinh doanh được trang bị thêm những tri thức khoa học mới, các kỹ năng, phương pháp làm việc khoa học có thể giúp giải quyết các vấn đề ứng dụng công nghệ phát sinh trong cuộc sống.

KH và CN trong phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc, tăng nhanh năng lực, không ngừng hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong phát triển y - dược đã ứng dụng được nhiều kỹ thuật chẩn đoán mới, hiện đại nhờ đó giúp việc chẩn đoán bệnh sớm, chính xác, hiệu quả điều trị cao với chi phí tiết kiệm.

Gần 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, sở KH và CN, các nhà khoa học... trên cả nước về dự Hội thảo “KH và CN với sự phát triển kinh tế - xã hội” những ngày cuối năm 2009 đều thống nhất khẳng định: KH và CN Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, thực sự đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công của sự nghiệp đổi mới. Và, ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động của Bộ KH và CN đã tạo ra những chuyển biến trong đổi mới cơ chế, chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển KH và CN một cách hiệu quả, gắn kết hoạt động KH và CN với doanh nghiệp và phát triển KT- XH.

Định hướng phát triển
của Bộ KH và CN

* Chú trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận trong sự nghiệp đổi mới; dự báo kịp thời tình hình và xu thế phát triển của thế giới, khu vực và trong nước; lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra và cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

* Nhanh chóng nâng cao trình độ và năng lực KH và CN quốc gia, làm nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ phát triển KT- XH; tạo sự phát triển vượt bậc về tiềm lực KH và CN, đủ sức làm chủ và vận dụng sáng tạo tri thức mới nhất của thời đại trong một số ngành KH và CN. Đổi mới tổ chức và hoạt động KH và CN phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các chuẩn mực quốc tế, có chất lượng và hiệu quả cao.

* Đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong tất cả các ngành, tạo nhiều ngành nghề mới có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm nhanh chóng nâng cao mức sống nhân dân. Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ dựa trên công nghệ cao, dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế sang ngành dựa nhiều vào công nghệ và tri thức, vươn lên vị trí cao hơn trong mạng lưới sản xuất quốc tế và trong quá trình hội nhập quốc tế.

* Đến năm 2020, xây dựng được một nền khoa học và công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực...

(Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ)

Vỹ Cầm