Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10.10.1911 - 10.10.2021)

Đồng chí Lê Đức Thọ - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Thứ Bảy, 09/10/2021, 05:19 - Chia sẻ
Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Lê Đức Thọ
Ảnh: TTXVN

Trong cuộc hành trình qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, dù rất bận rộn với công việc của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn dành thời gian làm thơ ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Là người chiến sĩ cách mạng yêu thơ và làm thơ ngay từ khi bước vào đời hoạt động cách mạng, bị giam cầm trong ngục tù đế quốc, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trong hành trình công tác từ Bắc vào Nam, lên các vùng biên giới, ông đã sáng tác nhiều bài thơ có giá trị, được in trong hai tập thơ: "Trên những nẻo đường" và "Nhật ký đường ra tiền tuyến". Những sáng tác của ông vừa giàu chất thực tế, có tính thời sự sâu sắc, vừa chứa chan tình cảm cách mạng, thiết tha yêu đời, yêu người; nhiều tác phẩm ẩn chứa tình cảm, suy nghĩ sâu sắc và chân thành của một nhà tư tưởng, một nhà hoạt động chính trị tài năng, nhà ngoại giao bản lĩnh, một chiến sĩ cộng sản kiên trung từng vào sinh ra tử trên khắp nẻo đường cách mạng. 

Sinh ra trong một gia đình nho giáo, ở vùng đất có truyền thống yêu nước, hiếu học - xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, Nam Định, nay là xã Nam Vân, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định, 14 tuổi, đồng chí Lê Đức Thọ đã lên thành phố Nam Định học tập. Đây là trung tâm công nghiệp dệt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, nơi phong trào yêu nước và cách mạng phát triển rất mạnh mẽ. Ông đã ngay lập tức hòa mình vào các hoạt động của học sinh, hăng hái tham gia phong trào biểu tình, bãi khóa đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 15 tuổi, tiếp xúc với tư tưởng yêu nước do các hội viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên truyền bá, được giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông đã tích cực tham gia các hoạt động trong học sinh. 17 tuổi, ông đã đứng trong đội ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Được đấu tranh và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, Đồng chí đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng khi mới 28 tuổi (tháng 10.1929), thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng ta.

Ngày 7.11.1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man và ngày 27.1.1931 bị tòa án thực dân kết án tù khổ sai chung thân. Ông đã kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Tòa Thượng thẩm thực dân phải giảm mức án xuống 10 năm khổ sai và đày ra nhà tù Côn Đảo, vốn được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Tại đây, ông được tín nhiệm cử vào Ban Thường vụ chi ủy nhà tù và Bí thư Chi bộ. Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của Nhân dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, bọn thực dân Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng chí trở lại quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng, gây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định, xây dựng lại đại lý phát hành sách báo để tuyên truyền sách báo của Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê nin…

Năm 1939, biết rõ đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng ở Nam Định, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, khám xét, bắt giữ và khép tội “phần tử nguy hiểm cho an ninh (tháng 9.1939), kết án 5 năm tù, lưu đày tại các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và Sơn La, Hòa Bình. Trong chốn lao tù, bị địch tra tấn dã man, ông vẫn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, kiên cường, bất khuất, dũng cảm đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của địch, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi đào tạo cán bộ của Đảng, thường xuyên tổ chức học tập chính trị, lý luận cách mạng, động viên bạn tù giữ vững tinh thần chiến đấu. Đồng chí nói: “Người cách mạng bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm lo việc học tập để nâng cao trình độ, cống hiến được nhiều hơn cho phong trào”. Trong thời kỳ hoạt động bí mật, Đồng chí đã 3 lần bị địch bắt, 2 lần bị kết án, những năm lưu đày, khổ sai khắc nghiệt đã tôi luyện trong ông ý chí cách mạng bất khuất và lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.

Năm 1944, hết hạn tù, đồng chí được Đảng phân công về hoạt động ở An toàn khu (ATK) của Trung ương, phụ trách công tác bảo đảm bí mật, an toàn cho ATK. Ông đã có một số đóng góp tại Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm 9.3.1945 để ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Tháng 8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Tại Hội nghị, ông được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp tham gia cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi; xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Khi nước nhà mới giành độc lập, đồng chí Lê Đức Thọ được Đảng giao phụ trách công tác tổ chức Đảng, cùng với một số lãnh đạo khác có công lớn trong việc giúp Trung ương bố trí, phát triển lực lượng Đảng, đoàn thể, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, vừa chống thù trong vừa chống giặc ngoài, đồng chí đã chỉ đạo tốt công tác bảo vệ chính quyền, giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.

Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những giai đoạn và thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, để lại cho đồng bào, đồng chí những tình cảm vô cùng quý mến.

Anh Phương