Đồng bộ hóa pháp luật phù hợp với tinh thần tự chủ đại học

- Thứ Bảy, 28/11/2020, 00:37 - Chia sẻ

Phát biểu bế mạc Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, nước ta đang trong điểm chuyển để phát triển, và có lẽ lúc này động lực cho phát triển đất nước là nguồn nhân lực. Do đó, phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học. Từ khoảng 20 năm trước chúng ta đã có nhiều mày mò về cách làm, đầu tiên là tập hợp lại thành các đơn vị lớn, tạo cơ sở đầu tư nhất định để có thể phát triển, là 2 ĐHQG và đại học vùng; sau đó, chúng ta đầu tư vào đại học trọng điểm để tạo cơ sở; rồi nhập khẩu mô hình trường xuất sắc: Việt - Pháp, Việt - Đức, Việt - Nhật. Chúng ta tiệm cận dần dần với thế giới, và thấy rằng, phải chăng không phải là quy mô đầu tư, mà là vấn đề cơ chế? Cơ chế đó phải chăng là giải phóng năng lượng của các trường đại học, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát triển?

Trên cơ sở những bàn luận tại hội thảo, một số kiến nghị chung đã được đưa ra. Về nhận thức, tự chủ đại học là một yêu cầu tất yếu trong hoạt động đại học, nhằm bảo đảm chất lượng và thể hiện trách nhiệm của đại học trước xã hội. Việc bảo đảm tự chủ đại học đúng nghĩa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay và cần được sự quan tâm ủng hộ của hệ thống quản lý nhà nước, xã hội và của chính hệ thống giáo dục đại học.

Ảnh: Q.Khánh

Để bảo đảm tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018), việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo sự đồng bộ, thống nhất là hết sức cấp bách. Đặc biệt là đồng bộ hóa pháp luật về ngân sách, đầu tư công, quản lý công sản, pháp luật về đất đai, về công chức, viên chức phù hợp với tinh thần tự chủ đại học. Kiến nghị công nhận cơ sở giáo dục đại học là những đơn vị sự nghiệp công đặc thù, theo đó cần có các chính sách đặc thù đối với các đơn vị này.

Nhà nước có trách nhiệm đối với việc phát triển giáo dục đại học nói chung, quá trình xây dựng tự chủ đại học nói riêng. Đầu tư cho chất lượng giáo dục đại học là một nhiệm vụ của quản lý nhà nước, ngay cả đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn về thực hiện trách nhiệm giải trình, hình thành văn hóa minh bạch, giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Xây dựng công cụ đánh giá chất lượng giáo dục đại học và giám sát tự chủ đại học để các cơ sở giáo dục đại học nâng cao năng lực quản trị phù hợp với đặc thù ngành nghề, địa phương và yêu cầu thực tế.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đổi mới giáo dục đại học, tập trung xây dựng hành lang pháp lý, lộ trình và kế hoạch triển khai tự chủ đại học, hình thành mô hình tài chính đại học phù hợp (tự chủ tài chính). Bên cạnh đó, ban hành văn bản quy định mối quan hệ giữa cơ quan quản lý trực tiếp, chủ sở hữu với cơ sở giáo dục đại học trực thuộc; đồng thời, làm rõ tính chất và trách nhiệm pháp lý đối với các quyết nghị, quyết định do hội đồng trường ban hành...

Với các cơ sở giáo dục đại học, cần nâng cao năng lực thực hiện tự chủ; đổi mới phương thức quản trị; bảo đảm hội đồng trường hoạt động theo luật định; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ của trường, đặc biệt là quy chế tổ chức tài chính, nhân sự và hoạt động của nhà trường; xác định rõ mối quan hệ, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa các thiết chế: hội đồng trường, hiệu trưởng, các tổ chức đoàn thể, cũng như của đội ngũ nhà giáo, viên chức, người lao động. Nâng cao trách nhiệm giải trình của đơn vị, bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình theo luật định; tuân thủ quy chế nội bộ và minh bạch thông tin...

Ng.Phương lược ghi