Đồng bộ hóa

- Thứ Tư, 07/04/2021, 06:58 - Chia sẻ
Từ ngày 1.1.2016, Bộ Tư pháp triển khai thí điểm Hệ thống phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, đến nay đã có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng hệ thống này. Đây là phần mềm miễn phí, thống nhất trên cả nước với trên 18.000 người dùng tại hơn 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện, 63 Sở Tư pháp và tại Bộ Tư pháp). Tuy nhiên, để tận dụng nguồn dữ liệu sống này, Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần sớm có sự thống nhất trong phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về dân cư.

Tính đến hết tháng 3.2021, trên hệ thống đã ghi nhận trên 14,7 triệu trường hợp đăng ký khai sinh; 3,2 triệu trường hợp đăng ký kết hôn; 2,2 triệu trường hợp đăng ký khai tử và trên 4 triệu trường hợp đăng ký các sự kiện hộ tịch khác. Đặc biệt, Hệ thống này kết nối với Hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an, cung cấp thông tin khai sinh và tiếp nhận số định danh cá nhân cho các trường hợp trẻ em là công dân Việt Nam đã xác định được giới tính, chưa đủ 14 tuổi (từ ngày 1.1.2016 đến nay). Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến nay đã thực hiện cấp số định danh cá nhân cho hơn 5 triệu trường hợp. Ngoài ra, Hệ thống đã kết nối với các Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử cấp tỉnh (qua trục Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương) tiếp nhận và trả kết quả qua Cổng dịch vụ công, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục cho người dân….

Kết quả thì đã rõ, vậy nhưng để có thể chia sẻ, kết nối, tận dụng được nguồn tài nguyên của Hệ thống phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các bộ, ngành liên quan không chỉ phải hoàn thiện thể chế; tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch, dân cư; phối hợp, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, quản lý dân cư trong giai đoạn 2021 - 2030… mà cần có sự phối hợp, điều hành thống nhất trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về cư dân để tránh lãng phí. Bởi, Hệ thống phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch thường xuyên được cập nhật với những biến đổi của công dân (kết hôn, sinh, tử…) - tức là nguồn dữ liệu “sống” và tài nguyên “nguồn ”của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Theo quy định tại Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành (1.7.2021), Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31.12.2022. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp; thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này; không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Điều này cho thấy, vai trò của mỗi cơ sở dữ liệu trong mối quan hệ với công dân không phải có tính thay thế, mà có sự kế thừa, chọn lọc, đồng bộ hóa.

Hiện, Hệ thống phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch chỉ kết nối về số định danh và chuyển một số thông tin. Chính vì thế, Bộ Tư pháp đã có chỉnh sửa phần kết nối dữ liệu giữa Hệ thống và Cơ sở để đáp ứng được về kết nối giữa dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư... Tuy nhiên, việc tích hợp, cập nhật và chia sẻ hai nguồn tài nguyên này chưa được đồng bộ. Theo đại diện Bộ Tư pháp đây là câu chuyện lâu dài và không kém phần tế nhị, với rất nhiều công đoạn, vấn đề kỹ thuật, nhất là bộ nào sẽ được giao làm chủ đầu tư.

Nguyễn Minh