Bạn đọc viết:

Đơn giản hóa các thủ tục cho vay

- Chủ Nhật, 04/07/2021, 06:14 - Chia sẻ

Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, đến nay cả nước có 7 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân đã thông báo thành lập hợp lệ với số vốn điều lệ 5,91 tỷ đồng. Ngoài ra, 38 tỉnh có chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, thì chỉ có một số địa phương quan tâm đến nội dung này, tuy nhiên chưa có địa phương nào triển khai được cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định Nghị định 38/2018.

Thực tiễn thi hành nghị định cho thấy, quá trình thi hành còn chậm, tản mát và chưa tập trung do thiếu nguồn lực cũng như công tác triển khai giữa các cơ quan chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ...

Theo quy định tại Nghị định, để có thể nhận được hỗ trợ từ Quỹ Khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện từ: Hệ thống báo cáo tài chính chuẩn; tài sản bảo đảm đáp ứng tiêu chí thanh khoản và giá trị bảo đảm tốt theo quy định; đến chuyên nghiệp trong quản lý tài chính, quản lý rủi ro… Đây được coi là một trong những ràn cảo doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn hỗ trợ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nguyên nhân hàng đầu gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn là thủ tục hành chính phức tạp, điều kiện cho vay quá chặt chẽ đối với khu vực tư nhân, lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp không có đủ tài sản thế chấp để vay vốn, doanh nghiệp bị phân biệt đối xử với doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế, hiện tất cả ngân hàng đều có những gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay; đa số các ngân hàng, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần đều có bộ phận hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, trong thỏa thuận ký kết, thời hạn hỗ trợ vốn vay từ ngắn hạn cũng đã được linh hoạt chuyển thành trung hạn… (tuy mức vay được hạn chế bớt) và ưu tiên cho sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu nhiều vốn nhưng vẫn khó tiếp cận được nguồn vay, do đa phần doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện tài sản bảo đảm món vay.

Từ thực tế này cho thấy, bên cạnh những giải pháp có tính lâu dài như xây dựng các chính sách vĩ mô hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính trong điều hành lãi suất để bảo đảm lãi suất trong nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường… thì các tổ chức tài chính, tín dụng thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng nhóm ngành nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt. Đặc biệt, cần cải tiến, đơn giản hóa quy trình cho vay, yêu cầu thông tin cung cấp phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng thực hiện.

Nguyễn Minh