Đòn bẩy phục hồi thị trường lao động

- Thứ Sáu, 28/01/2022, 06:36 - Chia sẻ
Dù đã có dấu hiệu phục hồi trong quý IV.2021 nhưng xét về tổng thể, thị trường lao động vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ thiếu bền vững, đứt gãy chuỗi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp, góp phần phục hồi thị trường lao động.

 Cung - cầu không ổn định

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2021 đã có thêm 872.400 người quay về với hoạt động sản xuất “tự sản, tự tiêu”, nâng tổng số lao động làm việc phi thị trường hàng hóa lên 4,4 triệu người. Bên cạnh đó, đã có 1,3 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động phi chính thức, nâng tổng số người lao động bắt buộc phải làm những công việc bấp bênh, không ổn định, thu nhập thấp và không có bất cứ hợp đồng ràng buộc nào với chủ sử dụng, lên 19,4 triệu người.

	Doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp để giữ chân và thu hút người lao động sau Tết. (Nguồn:ITN
Doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp để giữ chân và thu hút người lao động sau Tết.
Nguồn:ITN

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Lan Hương cho rằng, trong suốt 2 năm qua, đặc biệt là cuối 2021 đã có rất nhiều đánh giá về tác động của Covid-19 trên mọi mặt của đời sống trong đó có thị trường lao động. Các doanh nghiệp luôn trong trạng thái trực chiến sẵn sàng đóng, mở để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thị trường lao động năm 2022 hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2021.

Nghiên cứu mới nhất của đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam cho thấy, từ cuối quý IV.2021 mới bắt đầu xuất hiện các dự án tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí như Công nghệ thông tin (IT) trong các công ty tư vấn dịch vụ tài chính và các vị trí Bán hàng (Sales) từ các công ty bảo hiểm và ngân hàng để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022. Đây cũng là những tín hiệu dự báo trong năm 2022 cho thấy nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn trong mảng tại chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao.

Đáng chú ý, một số ngân hàng và công ty chứng khoán cũng đang tìm kiếm nhân sự cấp cao cho các vị trí chủ chốt để dẫn dắt chiến lược kinh doanh mới. Do đó, nhân sự ngành Bất động sản Công nghiệp và Nghỉ dưỡng sẽ tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022. “Làn sóng dịch chuyển bất động sản công nghiệp sang Việt Nam cũng như các hoạt động mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này tăng dẫn tới dự báo nhu cầu tuyển dụng ngành này sẽ tăng, nhất là nhân sự cấp trung và cấp cao” - Báo cáo Navigos chỉ rõ.

 Đã hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát do đại dịch Covid-19, triển vọng phục hồi vẫn còn mong manh và con đường phục hồi thì chậm và không chắc chắn. Trong bối cảnh đó, giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp giữ chân và thu hút người lao động là phải thực hiện thành công bốn trụ cột, gồm: tăng trưởng và phát triển kinh tế bao trùm; bảo vệ mọi người lao động; an sinh xã hội toàn dân và đối thoại xã hội.

Tổng giám đốc ILO Guy Ryder

Sớm đưa nghị quyết vào đời sống

Không riêng Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định, việc khôi phục thị trường lao động toàn cầu là vấn đề nan giải với tất cả quốc gia. Do đó, ILO đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong năm 2022, dự kiến mức thâm hụt thời giờ làm việc toàn cầu trong năm nay so với quý IV.2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian. Trước đó, theo dự báo tại thời điểm tháng 5.2021, ước tính mức thâm hụt chỉ tương đương với số giờ làm việc của 26 triệu việc làm toàn thời gian.

Rõ ràng, bức tranh thị trường lao động vẫn còn không ít những thách thức, và đây cũng chính là rào cản trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc hoàn thành mục tiêu đạt tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và phấn đấu đạt 6,5-7,0% trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong khi đó, lao động luôn là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, vì con người là trung tâm và là chủ thể của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo đó lần đầu tiên, ngân sách nhà nước dành tổng cộng 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động (lao động chính thức), đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Đồng thời, Nghị quyết cũng ban hành các chính sách miễn thuế giá trị gia tăng cho một loạt sản phẩm, hàng hóa. Theo các chuyên gia, đây là giải pháp chưa có trong tiền lệ, nếu triển khai hiệu quả chính sách này sẽ góp phần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, người lao động quay trở lại làm việc.Theo thống kê, trong thời gian giãn cách xã hội, có khoảng 1,3 triệu người trở về quê và sau khi nền kinh tế trở hoạt động trở lại trong tình hình mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP vẫn có thêm 900.000 lao động trở về quê (tính đến ngày 15.12.2021). Như vậy, chưa đến nghỉ Tết mà đã có ít nhất 2,2 triệu người đang làm việc tại các trung tâm kinh tế trở về quê do dịch bệnh. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, hiện nay quy định phòng, chống dịch ở mỗi địa phương mỗi khác, việc người lao động quay trở lại làm việc sau tết đúng lịch sẽ khó khăn hơn. Bởi lẽ, người lao động có tâm lý e ngại dịch bệnh. Nếu nơi làm việc mà không kiểm soát tốt dịch bệnh thì cũng sẽ có tác động đến quyết định trở lại làm việc của một số lao động. Chính vì vậy, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn nghị quyết, sớm đưa những chính sách có lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thái Yến-Nguyễn Ngân