“Đòn bẩy” cho ngành du lịch

- Chủ Nhật, 26/12/2021, 06:25 - Chia sẻ
Hôm qua, 25.12, đã diễn ra Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức. Các đóng góp tâm huyết tại hội thảo đã giúp chúng ta hình dung được bức tranh khá toàn diện về du lịch Việt Nam dưới tác động của Covid-19. Nhiều hiến kế giải pháp cũng được các đại biểu đưa ra để ngành du lịch phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Chúng ta đã từng tự hào về sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch Việt Nam trước dịch Covid-19, năm 2019 đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt trên 32 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP. Nhưng từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Theo ước tính, năm 2020 du lịch Việt Nam thiệt hại lên tới 23 tỷ USD, khoảng 40 - 60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều hướng dẫn viên du lịch mất việc, chuyển nghề. Du lịch Việt Nam đã trải qua những tháng ngày ảm đạm chưa từng có khi hứng chịu 4 đợt bùng phát dịch.

Được coi là ngành kinh tế tổng hợp, do đó, sự sụt giảm doanh thu của ngành du lịch ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế nói chung, tới an sinh xã hội. Thực trạng này đòi hỏi cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để ngành du lịch có cơ hội phục hồi và phát triển.

Bị ảnh hưởng nặng nề là vậy, nhưng du lịch là một trong số ít ngành sớm “hồi sức” trong đại dịch khi tháng 11.2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 15 nghìn lượt người, tăng 42,4% so với tháng 10.2021. Dù chưa phải là con số ấn tượng về khách du lịch, song kết quả này cũng cho thấy tín hiệu lạc quan của ngành du lịch sau một thời gian dài trầm lắng.

Để lấy lại “sức khỏe” cho “ngành công nghiệp không khói”, thời gian qua nhiều chính sách đã được ban hành, trong đó có chính sách giảm giá tiền điện, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên... Tất cả các giải pháp đã được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành chính sách hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Những chính sách này là nguồn động viên, hỗ trợ kịp thời rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp, người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch để duy trì, vượt khó trong đại dịch. Nhưng để ngành du lịch phát triển sau đại dịch, nhiều ý kiến cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ đủ mạnh, dài hơi. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục xem xét và sớm có chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với các doanh nghiệp lữ hành, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 - 2023 cho các doanh nghiệp lữ hành. Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp để giúp tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động. Cùng với đó, cần có chính sách để kích cầu du lịch, làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Muốn vậy, cần dành nguồn ngân sách đủ lớn để bảo đảm cho hoạt động này.

Nhận định về du lịch Việt Nam, trả lời báo chí Hàn Quốc nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 12 - 15.12 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, năm 2021 - một năm đầy khó khăn của ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á 2021 và đạt được danh hiệu Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á của Tổ chức Du lịch thế giới (World Travel Awards).

“Việc giành giải thưởng World Travel Awards - giải thưởng được coi là Oscar trong ngành du lịch năm nay sẽ là cú hích và động lực rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh khi du lịch toàn cầu mở cửa trở lại, du khách quốc tế, đặc biệt là khách du lịch Hàn Quốc sẽ lựa chọn những điểm đến tại Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng.

Danh hiệu, giải thưởng và những tín hiệu lạc quan cho thấy, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang thể hiện được vị thế quan trọng dù bị tác động bởi dịch bệnh. Điều này cũng khẳng định những chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực này thời gian qua đã phát huy được hiệu quả trên thực tế. Mong rằng, những kiến nghị của các đại biểu, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tại hội thảo sẽ được Ban tổ chức, các cơ quan quản lý tiếp thu. Trên cơ sở đó, có các giải pháp cụ thể với cơ chế chính sách đủ mạnh để ngành kinh tế mũi nhọn này hồi phục và có cơ hội phát triển bứt phá sau đại dịch.

Lê Hùng