"Đối thoại" với kịch kinh điển

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 05:39 - Chia sẻ
Tác phẩm nổi tiếng thế giới "Antigone" của Sophocles lần đầu tiên sẽ được giới thiệu tới khán giả Việt Nam trong 6 phiên bản khác nhau, trên cả sân khấu trực tiếp và trực tuyến. Khán giả sẽ thấy một nàng Antigone nói tiếng Việt, đồng thời được tự trải nghiệm những giá trị nhân văn khiến một vở kịch Hy Lạp ra đời từ thế kỷ V trước Công nguyên vẫn còn giá trị tới hiện tại.
Bản dựng "Antigone" của đạo diễn Bùi Như Lai trên sàn tập

Việt hóa tác phẩm kinh điển thế giới

Chiều 29.10, Viện Goethe tổ chức họp báo giới thiệu dự án sân khấu Antigone. Theo Viện trưởng Viện Goethe Wilfried Eckstein: “Dù ra đời từ lâu, nhưng vở diễn vẫn mang tính thời đại, đồng thời, có nhiều lớp lang, tạo sự tự do nhất định để các nghệ sĩ có thể tiếp cận, diễn giải. Bởi vậy chúng tôi gọi đây là mùa diễn Antigone, mở ra tất cả cách đối thoại, diễn dịch, thể hiện của 6 đạo diễn với công chúng”.

6 đạo diễn với 6 đoàn sản xuất khác nhau đã tìm hiểu tác phẩm, xây lên cầu nối giữa câu chuyện của thời xưa và thời nay. Đạo diễn Trần Lực cho biết, anh tập trung thể hiện sự đối nghịch giữa luật nhân tạo và luật tự nhiên, trật tự do người nắm quyền sắp đặt và trật tự phổ quát. “Vở diễn mang chất bi hùng. Kịch bản Antigone bản thân đã hấp dẫn ở câu chuyện, các nhân vật. Tôi vẫn giữ theo ý tưởng của tác giả, ở đây là xung đột giữa hai luồng tư tưởng, Creon trung thành với pháp luật, và sống theo pháp luật, và Antigone mạnh mẽ, có quan điểm sống riêng, 'theo luật là của thánh thần' - trân trọng những gì thuộc về truyền thống, coi tình cảm gia đình là trên hết”.

Đạo diễn Trần Lực dàn dựng vở diễn theo phong cách sân khấu ước lệ, biểu hiện về không gian, thời gian, bởi muốn kịch “đặc sệt” chất Việt Nam. Sân khấu vở diễn dùng hai màu đen và trắng, với mong muốn thể hiện nét đẹp của những con người sống có lý tưởng...

Đạo diễn Bùi Như Lai lại tiếp nhận và thể hiện vở diễn ở góc độ khác. “Vở diễn ra đời 2500 năm trước, làm thế nào để đưa nó sống động trên sân khấu? Tôi thấy có mấy vấn đề đọng lại: Quyền lực dùng sai sẽ dẫn tới bạo lực; tình yêu nếu đến mức cực đoan sẽ dẫn tới bi kịch; và thứ ba, điều tôi băn khoăn nhất, chúng ta đặt Antigone ở đâu trong đời sống hiện tại?”

Trong bản dựng của đạo diễn Bùi Như Lai, sân khấu không mô phỏng không gian của thời cổ đại Hy Lạp. Đạo diễn cho biết sân khấu chủ yếu được tạo dựng từ cây tre, bởi “tôi thích cây tre Việt Nam, và hình ảnh thang tre cũng biểu tượng về quyền lực, tạo ra khuôn mẫu, cái khung cho các nhân vật khác nhau tồn tại...” - đạo diễn Bùi Như Lai nói.

Không chỉ được dàn dựng trên sân khấu kịch, Antigone còn đến với khán giả qua các phiên bản trình diễn đa phương tiện; múa hình thể; kịch và đối thoại cộng đồng - đưa tác phẩm sân khấu trở thành hạt nhân để thúc đẩy đối thoại giữa nghệ sĩ - nhà nghiên cứu tâm lý, xã hội - khán giả về việc đối diện với thách thức và đi tìm bản dạng cá nhân của người trẻ. Hay Antigone - Âm Mù của Xplusx Studio, đạo diễn Hà Nguyên Long cho biết: Giữ nguyên kịch bản gốc, nhóm đã đưa toàn bộ vở kịch lên thế giới ảo, nơi dòng thời gian như ngừng lại. Tái tạo khung cảnh của vở kịch trong một chiều không thời gian khác biệt với vở kịch gốc, nhóm muốn khán giả tiếp cận cách thể nghiệm của thực lẫn ảo, giữa các chiều cạnh đan xen mà không có sự hiện diện của thời gian hay địa lý.

Antigone của đạo diễn Trần Lực sẽ được giới thiệu vào 20h ngày 6 và 14.11; trong khi bản dựng của đạo diễn Bùi Như Lai sẽ được biểu diễn vào 20h ngày 7 và 13.11 (tại Nhà hát Tuổi trẻ). Vở diễn A WO|MAN sẽ ra mắt khán giả ngày 8.1, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội; AntigoneÂm mù của đạo diễn Hà Nguyên Long và bản dựng của đạo diễn Hà Thúy Hằng sẽ được giới thiệu online vào 20h ngày 20.11 và 19.3.2022. Biểu diễn kịch và đối thoại cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được nhóm Saigon Theaterland tiếp tục cập nhật.

Xây cầu nối Đông - Tây

Vở kịch Antigone của Sophocles có thể còn xa lạ với đại bộ phận công chúng Việt Nam. Tuy nhiên, hàng nghìn năm nay, tác phẩm đã truyền cảm hứng tới những người làm văn hóa và nghệ thuật, cả phương Tây lẫn phương Đông, trong suy ngẫm về bản tính của con người và vị trí của họ trong xã hội. Tác phẩm nói về lòng trung thành với gia đình và đất nước, về phẩm giá con người và sự gắn kết xã hội, về tiến trình lịch sử và sự quan trọng của các cá nhân trong xã hội... Nhiều ý kiến cũng nhìn thấy những giá trị quen thuộc của Antigone trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Các nghệ sĩ cho biết, dự án được triển khai trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên có nhiều khó khăn, thay đổi so với dự kiến ban đầu. Thuận lợi là thời điểm giãn cách xã hội, nghệ sĩ có nhiều thời gian suy ngẫm làm sao diễn giải tác phẩm, tìm cách thể hiện hấp dẫn khán giả đương đại, nhưng sau khi hết giãn cách là lao vào luyện tập, để kịp ra mắt vào đầu tháng 11.

Theo NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, sau thành công của các vở diễn như: Vòng phấn Kavkaz, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Kiều, Happy at Home, Viện Goethe và Nhà hát tiếp tục hợp tác trong dự án Antigone. “Chúng tôi bàn năm 2021 sẽ dựng vở này cho Nhà hát Tuổi trẻ với sự tham gia của đạo diễn tới từ Đức. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài nên đạo diễn Đức không thể tới Việt Nam. Bởi vậy, Nhà hát không tham dự với tư cách dàn diễn viên tham gia dự án, mà đóng vai trò hỗ trợ hậu cần cho vở diễn”.

Qua quá trình triển khai thực hiện, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho biết, dựng tác phẩm Antigone có nhiều khó khăn, bởi cách nhìn của người phương Đông và phương Tây có sự khác biệt rõ ràng. Bởi vậy, dự án đã có các workshop chia sẻ về tác phẩm, cũng như cách làm vở này tại nhiều nơi trên thế giới để các đạo diễn Việt Nam hiểu rõ hơn. “Nét độc đáo là Antigone dù được viết cách đây hàng nghìn năm nhưng vẫn không có cảm giác xa với đời sống thực tại. Bởi vậy, đây là mảnh đất vô cùng màu mỡ, chất liệu cho các đạo diễn, đơn vị nghệ thuật dàn dựng với phong cách ngày hôm nay. Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã chuẩn bị rạp hát quy chuẩn để các nghệ sĩ có thể thể hiện hết kỹ năng, ý tưởng ấp ủ, khán giả thỏa sức tưởng tượng” - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến khẳng định.

Thảo Nguyên