Đối thoại âm nhạc Đông - Tây

- Thứ Bảy, 14/08/2021, 07:08 - Chia sẻ
Khơi dậy tinh thần nhân văn của Beethoven, trong một năm rưỡi với 4 buổi hòa nhạc, 10 buổi giảng bài, 5 buổi gặp gỡ âm nhạc, 12 workshop... dự án âm nhạc "1001 nhịp giữa Bonn và Babylon" đã góp phần nuôi dưỡng đối thoại giữa phương Đông và phương Tây; xây dựng cây cầu âm nhạc để thúc đẩy các cuộc gặp gỡ liên văn hóa và chung sống trong đa dạng.

Điều đầu tiên có thể thấy rõ trong buổi hòa nhạc kết thúc dự án tại Bonn's Trinitatiskirche ngày 4.7 vừa qua là bầu không khí thoải mái. Nhạc trưởng Bassem Hawar vừa chỉ huy dàn nhạc vừa chơi joza - nhạc cụ giống violon, và các ca sĩ tỏ ra cởi mở khi hát, thỉnh thoảng chêm vào một điệu nhảy.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong hòa nhạc "1001 nhịp" Nguồn DW
Các nghệ sĩ biểu diễn trong hòa nhạc "1001 nhịp"
Nguồn DW

Hawar, người từng chiến thắng Giải Jazz của Đài truyền hình Đức WDR ở hạng mục "Văn hóa âm nhạc" năm 2020, và nhóm nhạc của anh gồm các nghệ sĩ từ Iraq, Iran và Kurdistan, đến Bonn cho buổi biểu diễn cuối cùng với tư cách là nhóm hòa tấu cho "1001 nhịp giữa Bonn và Babylon", dự án xuyên văn hóa bao gồm một loạt hội thảo và sự kiện, nhằm tri ân tinh thần nhân văn của nhà soạn nhạc nổi tiếng Ludwig van Beethoven.

Bản nhạc đầu tiên của buổi biểu diễn là “Maqam lami”, giai điệu du dương trong âm nhạc cổ điển Ảrập mà một số người tin rằng có từ 5.000 năm trước và được quảng bá bởi các vị vua của triều đại Abbasid. Với thủ đô là Baghdad, người Abbasid cai trị thế giới Ảrập từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII và được coi là người bảo trợ cho nghệ thuật và văn hóa.

“Đó là thời kỳ hoàng kim”, Hawar nói trong buổi biểu diễn khi ông giải thích ý nghĩa và bối cảnh của giai điệu và so sánh nó với nước Đức ngày nay. Đối với vị nhạc trưởng này, việc nghệ sĩ từ nhiều nơi trên thế giới đến chơi nhạc tại quê hương của Beethoven có thể coi là "thời kỳ vàng son của nước Đức".

Kết hợp các truyền thống âm nhạc

Khi dàn nhạc chuyển sang nhạc mục buổi tối, các loại sáo được kết hợp với âm nhạc Bedouin để khơi dậy âm thanh của người du mục đang di chuyển trên những vùng đất mênh mông. Tác phẩm "Malam Barkir", do ca sĩ người Kurd Mehmet Akbash hát, nói về người Bedouin trên núi.

Đối với dự án "1001 nhịp giữa Bonn và Babylon", nhiều giai điệu được đan xen với những đoạn nhạc cổ điển phương Tây - như bản thứ tư của Beethoven.

Haddad giải thích, việc kết hợp các truyền thống âm nhạc khác nhau là một thách thức. “Nó rất phức tạp. Chúng tôi có các bài hát của Ảrập, Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư, và tôi đã nói với các chuyên gia chuyển thể tám bài hát từ những ngôn ngữ này chơi trên nhạc cụ phương Tây và nghệ sĩ phương Tây có thể chơi - không quá nhiều nốt quãng 4".

Haddad đã gửi đề xuất đến Hans-Joachim Büsching, nghệ sĩ kèn clarinet trong dàn nhạc Beethoven ở Bonn, người đã chọn một số bài hát đó và đưa vào một số đoạn nhạc cổ điển phương Tây.

Để chọn nghệ sĩ hòa tấu, các thành viên Hiệp hội Giáo dục phi lợi nhuận Migrapolis, cùng với BTHVN2020 - tổ chức xã hội giám sát các sự kiện kỷ niệm 250 năm Beethoven, đã mời các ca sĩ và nhạc công từ khắp nước Đức.

Cuối cùng là chọn các nhạc sĩ gốc Kurd, Ba Tư, Ảrập và Thổ Nhĩ Kỳ, họ chơi các nhạc cụ khác nhau, chẳng hạn như đàn joza của Iraq (còn được gọi là rebab), một nhạc cụ dây; trống daf Ba Tư; đàn oud, giống như luýt; santur của Iraq; cùng các nhạc cụ cổ điển phương Tây như bass, violin, kèn, clarinet và sáo.

Thúc đẩy hòa nhập xã hội

"Chúng tôi đã làm được, kết quả là đây", Haddad nói, vui mừng trước cách "1001 nhịp giữa Bonn và Babylon" thành công trong việc pha trộn các truyền thống âm nhạc. "Chúng tôi muốn thông qua âm nhạc thể hiện tầm quan trọng của việc mọi người đến với nhau vì đó là ngôn ngữ toàn cầu mà mọi người đều hiểu".

Trong một năm rưỡi, đã có 4 buổi hòa nhạc, 10 buổi giảng bài, 5 buổi gặp gỡ âm nhạc, 12 workshop và thành lập Dàn nhạc 1001 nhịp. Đó là kết quả đáng kể, góp phần nuôi dưỡng đối thoại giữa truyền thống phương Đông và phương Tây.

"1001 nhịp giữa Bonn và Babylon" còn nhằm thúc đẩy hòa nhập xã hội, trong đó có sự hòa nhập giữa người nhập cư và người Đức, thông qua âm nhạc. "Đó không phải là con đường một chiều", Philip Gondecki-Safari nói, ám chỉ thực tế rằng việc hòa nhập vào xã hội ở Đức thường được hiểu là trách nhiệm của người nhập cư.

Minh Hà (theo DW)