Đổi thay ở cửa ngõ An toàn khu

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:39 - Chia sẻ
Nằm ở cửa ngõ vùng An toàn khu, phên dậu vững chắc bảo vệ Thủ đô kháng chiến, cũng là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một nền kinh tế đa dạng, góp phần cải thiện thu nhập người dân. Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ để hiện thực hóa khát vọng “đuổi nghèo”, kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, Phú Lương đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,56%.
	Những con đường lầy lội đã được cứng hóa giúp con đường đến trường của học sinh thuận lợi và an toàn hơn. Ảnh: Trần Tâm
Những con đường lầy lội đã được cứng hóa giúp con đường đến trường của học sinh thuận lợi và an toàn hơn.
Ảnh: Trần Tâm

Ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn

Đến xã Hợp Thành những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” đang dần hiện hữu. Từ một xã khó khăn, Hợp Thành đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM) và thoát nghèo bền vững của huyện. Một khung cảnh thanh bình hiện ra với những ngôi nhà kiên cố, khang trang xen lẫn màu xanh bát ngát của núi rừng cùng các cung đường phẳng phiu. Chủ tịch UBND xã Ma Quốc Hiếu phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, phong trào thi đua xây dựng NTM đã thực sự trở thành động lực làm thay đổi diện mạo quê hương. Người người, nhà nhà nô nức bàn chuyện làm đường nông thôn, phát triển kinh tế gia đình, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và chung tay đóng góp của Nhân dân, tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đặc biệt, được sự quan tâm, hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, trong đó có Dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, đã có gần 400 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua gần 500 máy móc các loại. Năm 2019, gia đình chị Nguyễn Thị Phương Loan là hộ cận nghèo ở xóm Tiến Bộ, đời sống vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ kinh phí mua máy cày từ Chương trình 135, gia đình chị đã nỗ lực sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, kinh tế ngày càng khấm khá, thu nhập tăng lên đã từng bước thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã. Với những cách làm hiệu quả và tinh thần quyết tâm, năm 2017, Hợp Thành đã thoát khỏi diện 135 và nhanh chóng về đích NTM năm 2018. Nếu như năm 2015, toàn xã có khoảng 20% tỷ lệ hộ nghèo thì đến nay con số ấy đã giảm còn 5,3%; thu nhập bình quân toàn xã ước đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Cũng giống như Hợp Thành, từ nguồn vốn sản xuất của Chương trình 135, nhiều hộ nghèo của xã Phủ Lý cũng được hỗ trợ máy móc, phân bón, cây, con giống, nhất là hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản để phát triển kinh tế. Từ năm 2018 đến nay, toàn xã đã có 47 hộ dân nhận được hỗ trợ 1 con trâu hoặc 1 con bò sinh sản với tổng số tiền 970 triệu đồng. Anh La Quang Giảng, dân tộc Tày (xóm Na Dau) cho biết: Từ năm 2018, được Nhà nước hỗ trợ mua bò giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đã giúp tư duy phát triển chăn nuôi của gia đình ngày càng nâng lên. Nếu như trước kia, gia đình có 3 sào ruộng bỏ không do khó khăn về nguồn nước tưới thì sau khi nuôi bò, gia đình đã tận dụng những sào ruộng cũ thành khu vực trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Từ nuôi bò, gia đình anh còn tận dụng thêm nguồn phân chuồng phục vụ trồng trọt. “Do đã được phổ biến kiến thức nên tôi đã biết kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo bò đúng cách, biết ủ cỏ để làm nguồn thức ăn cho gia súc trong vụ đông. Thu nhập hàng năm từ chăn nuôi của gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng”, anh Giảng vui mừng chia sẻ.

Đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ mang lại, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý Hoàng Thanh Đóa chia sẻ: Trước đây, Chương trình 135 đã hỗ trợ phân bón, máy móc phục vụ cho các hộ nghèo trong xã. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa thật sự thiết thực, trong khi xã có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi như nhiều bãi chăn thả và nguồn thức ăn dồi dào. Do vậy, việc chuyển toàn bộ nguồn vốn sang hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản rất phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Qua đó, đã mở ra hướng đi mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Sau gần 3 năm, đến nay, tổng đàn trâu, bò sau khi được hỗ trợ đã tăng lên 63 con và đã có 21/47 hộ thoát nghèo.

Những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không chỉ riêng người dân 2 xã Hợp Thành và Phủ Lý được thụ hưởng hiệu quả, chính sách đã tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân các xã nghèo khác trên địa bàn. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Các xã Ôn Lương, Hợp Thành, Yên Đổ đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và cán đích NTM; còn xã Phủ Lý đang phấn đấu về đích vào năm 2022.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Duy Hưng, thời gian qua, huyện đã ưu tiên phân bổ các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; đồng thời, căn cứ vào thế mạnh của từng xã và nhu cầu phát triển kinh tế của Nhân dân địa phương, huyện đã chủ động xây dựng đề án phát triển sản xuất, tập trung lồng ghép nguồn vốn từ các chương tình hỗ trợ của Nhà nước để ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn tại các xã này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Biến thách thức thành cơ hội

Diện mạo mới của huyện miền núi Phú Lương
Diện mạo mới của huyện miền núi Phú Lương
Ảnh: Trần Tâm

Tự hào với những kết quả bước đầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Duy Hưng cho biết: Từ những định hướng của chính quyền các cấp trong công tác giảm nghèo, tư duy sản xuất và đời sống của người dân đã ngày càng được nâng lên. Việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ hợp lý, đúng tiêu chí, trọng tâm, trọng điểm và cách tổ chức thực hiện có nhiều đổi mới, đúng với nhu cầu người dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo. Không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại, hầu hết đồng bào các dân tộc trên địa bàn đều chủ động biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng để tạo thêm sinh kế, tìm cách thoát nghèo bền vững. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 10,98% thì nay đã giảm xuống còn 2,56%, trong đó giảm mạnh ở các xã đặc biệt khó khăn.

Với quyết tâm rút ngắn khoảng cách kinh tế giữa vùng miền, huyện Phú Lương xác định, phải giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức đưa người dân thoát nghèo nhưng thực tế, để giúp người dân vươn lên làm giàu lại là quá trình khó. Bởi, nếu người dân muốn làm giàu phải thoát ra khỏi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm môi trường. Cùng với đó, phải thành lập các trang trại, HTX, tổ hợp tác, các làng nghề để tạo ra mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì mới có thể thoát nghèo bền vững”, ông Hưng chia sẻ.

Từ thực tế đó, những năm qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, từ đó tăng thu nhập người dân bền vững. Một trong các giải pháp then chốt trong công tác phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững là thúc đẩy các sản phẩm thế mạnh trên phạm vi tập trung, trọng điểm, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng của mỗi vùng, miền.

Vì là địa bàn thuần nông nên huyện xác định lấy phát triển sản xuất nông nghiệp làm nền tảng; đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trong quá trình thực hiện mục tiêu, sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trở thành điểm tựa cho người dân địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của HTX, tổ hợp tác; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi, hướng tới giá trị bền vững. Mở thêm các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho cán bộ và thành viên; đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với an toàn lao động; rút ngắn thủ tục đổi mới, thành lập HTX”, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.

Có thể thấy, với mục tiêu chăm lo đời sống người dân ngày một ấm no, hướng đi ở huyện Phú Lương đang được thực hiện bài bản, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Những kết quả đạt được tuy mới chỉ là những “bước khởi đầu” cho một chặng đường dài, nhưng đây chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Phú Lương phát triển, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên.

Trần Tâm