Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

- Thứ Sáu, 24/03/2023, 11:23 - Chia sẻ

Sáng nay, 24.3, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì Hội nghị.

Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) -0
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Người lao động mong muốn, những vấn đề lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tiếp thu, Đặc biệt, vấn đề nhà ở cho công nhân được giải quyết căn bản để bảo đảm cuộc sống, điều kiện làm việc của người lao động. Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H. Nguyễn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, một trong những vấn đề quan tâm của Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ này là vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhân dân cả nước nói chung, cán bộ Công đoàn và đoàn viên, người lao động nói riêng đã tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) -0
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H. Nguyễn

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến gửi đến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành tổng hợp các ý kiến một cách trung thực, đầy đủ và khách quan. Theo kết quả tổng hợp, để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan, tổ chức trực thuộc đã tổ chức hơn 430 hội nghị, hội thảo; đã nhận được hơn 10.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến bằng văn bản gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Qua tổng hợp ý kiến, vấn đề quan tâm hiện nay của công nhân, người lao động là làm thế nào để chính sách pháp luật đất đai cùng với việc sửa đổi các luật khác nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người lao động có cơ hội có được nhà ở, đây là quyền rất cơ bản của người lao động. “Trước mắt, người lao động mong muốn được thuê, được mua nhà với giá phù hợp với điều kiện của mình” – ông Hiểu nói.  

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện đối với dụ thảo Luật Đất đai (sửa đổi), mong nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động nhìn từ khía cạnh Luật Đất đai; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong Luật Đất đai (sửa đổi); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Người lao động cả nước mong muốn, thông qua hội nghị này, những vấn đề lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tiếp thu, đặc biệt vấn đề nhà ở cho công nhân được giải quyết căn bản để bảo đảm cuộc sống, điều kiện làm việc của người lao động.

Tham dự hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về giá đất, việc phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý và sử dụng đất đai; lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà ở cho công nhân, người lao động...

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, nhà ở xã hội là vấn đề được quan tâm hiện nay, đặc biệt là đối với công nhân, người lao động. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động để bảo đảm được cuộc sống “an cư, lạc nghiệp”. Bởi chỉ khi bảo đảm được nhà ở và các thiết chế xã hội khác thì mới bảo đảm được phát triển bền vững ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hà An
#