Nỗ lực đổi mới, tạo đột phá mới

- Thứ Tư, 01/02/2023, 06:43 - Chia sẻ

Năm 2022 khép lại, ngành y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đến nay, toàn ngành cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về những kết quả ngành y tế đã đạt được trong năm qua, cũng như những nhiệm vụ ngành sẽ triển khai trong thời gian tới.

Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2022 

Năm 2022, tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thử thách nhưng ngành y tế đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần vào thành công chung của đất nước. Cụ thể, ngành y tế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân; 92,03% dân số tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao.

Đặc biệt, ngành y tế đã và đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, nguy hiểm mới nổi. Cả nước chuyển sang giai đoạn thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở mức cao; số ca mắc, tử vong do Covid-19 giảm mạnh từ tháng 4.2022 đến nay, có tuần không ghi nhận ca tử vong. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch; kịp thời phát hiện, điều trị sớm 2 ca bệnh đậu mùa khỉ, không để lây lan ra cộng đồng.

Đáng chú ý là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19; triển khai khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh xây dựng, ban hành danh mục giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ; nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trong đó, xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ mức 40% - 70% lên 100%.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số ca mắc gia tăng. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở một số địa bàn chưa bảo đảm, nhất là ở một số vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. 

Bên cạnh đó, chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã giải quyết được một phần nhưng còn chưa triệt để; công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu…

Ngành y tế nỗ lực đổi mới và tạo ra những đột phá mới trong năm 2023. Nguồn: ITN
Ngành y tế nỗ lực đổi mới và tạo ra những đột phá mới trong năm 2023
 Nguồn: ITN

Ưu tiên giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, năm 2023 mở ra những cơ hội để nhận thức rõ hơn những khiếm khuyết, tồn tại, hạn chế của ngành, là thời cơ để đổi mới, tạo ra những bước đột phá mới. Trong thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hơn nữa của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân trong triển khai các chủ trương, chính sách của ngành; để ngành y tế phát triển nhanh, bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. 

Theo đó, ngành y tế cũng sẽ ưu tiên giải quyết cả những tồn tại trước mắt và những vấn đề mang tính lâu dài để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, như tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế, các dự án luật. Đồng thời, tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh; đổi mới y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe; bám sát tình hình dịch Covid-19, không để dịch bùng phát trở lại, không để "dịch chồng dịch"; duy trì, thực hiện hiệu quả Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. 

Song song với đó là nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại. Đồng thời, từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc; các đơn vị cấp khu vực, vùng. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, nhất là trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế…

Thanh Điểu