Làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số

- Chủ Nhật, 25/12/2022, 17:08 - Chia sẻ

5 năm xây dựng “Làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số” theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Tỉnh ủy Gia Lai, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao được hình thành, góp phần nâng cao đời sống người dân, buôn làng hạnh phúc.

Trước năm 2018, xã Chư A Thai có 9 làng, trong đó 4 làng gồm Plei Pông, Plei Trớ, Plei Hek và Kinh Pêng là làng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (gọi tắt là làng Đồn). Do đặc thù tự nhiên nơi đây không chủ động được nước để phục vụ sản xuất, nên cuộc sống người dân ở 4 làng Đồn chỉ dựa vào một vụ lúa rẫy và sắn. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 8 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo là 192 hộ với 975 khẩu, chiếm 52% hộ nghèo của toàn xã và 60% số hộ trong 4 làng; hộ cận nghèo là 33 hộ với 173 khẩu, chiếm 29,4% tổng số hộ cận nghèo của xã.

Đầu năm 2018, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 12, xã Chư A Thai đã tăng cường tuyên truyền thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy tính chủ động, tích cực của từng người chung tay xây dựng làng nông thôn mới.

Chị Đinh Thị Rét là điển hình vươn lên thoát nghèo tại 4 làng Đồn sau khi tái định cư - Ảnh: Hồng Điệp
Chị Đinh Thị Rét là điển hình vươn lên thoát nghèo tại 4 làng Đồn sau khi tái định cư
Ảnh: Hồng Điệp

Chị Đinh Thị Rét nhớ như in ngày gia đình mình cùng 18 hộ dân rủ nhau lên sinh sống trên đỉnh núi Cheng Leng, xã Chư A Thai. Lúc ấy, nơi đây quanh năm khô hạn, không điện, không trường học, không trạm y tế. Người dân phải xuống suối gùi từng bầu nước về sử dụng. Con đường độc đạo về trung tâm xã rất khó khăn, hiểm trở.

Tỉnh ủy Gia Lai đã nhiều lần cử đoàn cán bộ lên núi trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, ý Đảng hợp lòng dân, gia đình chị Đinh Thị Rét và bà con đã đồng thuận rời đỉnh Cheng Leng trở về sinh sống tại khu quy hoạch dân cư mà địa phương bố trí.

Chị Rét cho hay, từ khi được chuyển về nơi ở mới, được Nhà nước cấp đất ở, cấp bò, cấp dê làm kinh tế, bây giờ ai cũng ổn định cuộc sống, thoát nghèo, nhà cửa kiên cố, con cái được đi học.

Cùng niềm vui như chị Rét, anh Nay Jang hồ hởi khoe về những thay đổi ngoạn mục của gia đình. Khi về làng Đồn định cư theo chủ trương của Nhà nước, ngoài việc được cấp đất ở và hỗ trợ xây nhà, gia đình anh còn được chính quyền bảo lãnh cho vay vốn ngân hàng mua bò sinh sản và mua đất làm rẫy. Không ai ngờ rằng, sau 5 năm, gia đình anh đã có 5 con bò sinh sản, một ha lúa, 2ha sắn, mỗi năm tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng. Con anh được đến trường, một người đang học Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

"Cuộc đời tôi như thế này là quá mãn nguyện rồi. Tôi biết ơn Đảng, biết ơn Chính phủ. Tôi sẽ nuôi dạy con cháu học hành đến nơi đến chốn để có kiến thức xây dựng quê hương, đất nước", anh Nay Jang cho hay.

Làng nông thôn mới được quy hoạch, bố trí dân cư theo hướng khang trang, hiện đại - Nguồn: phuthien.gialai.gov.vn
Làng nông thôn mới được quy hoạch, bố trí dân cư theo hướng khang trang, hiện đại
Nguồn: phuthien.gialai.gov.vn

Giai đoạn 1 (2017 - 2020), Đảng ủy và chính quyền xã Chư A Thai đã phối hợp, cùng nhân dân 4 làng Đồn thực hiện di dời 294 nhà ở theo hướng chỉnh trang theo quy hoạch, vận dộng di dời được 265 chuồng nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn; xây mới 28 nhà tình thương, 125 nhà tiêu; hướng dẫn 335 hộ làm vườn rau; hướng các hộ dân dẫn trồng gần 3.000 cây ăn trái. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp cùng thôn thực hiện vận động nhân dân thực hiện 1.250m đoạn đường hoa, xây dựng, duy trì và nhân rộng 2 CLB "5 không, 3 sạch" và "Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 - 10 triệu đồng/năm".

Song song với đầu tư các công trình phục vụ dân sinh, chính quyền địa phương đã quy hoạch khu dân cư, vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi trồng cây giống mới và vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, trên địa bàn đã hình thành cánh đồng mía 87ha; mô hình sản xuất lúa 20ha; mô hình trồng điều ghép diện tích 8,6ha, mô hình trồng sắn 2ha… từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.

Năm 2021, địa phương tiếp tục triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng Đồn xã Chư A Thai, giai đoạn 2 (2021 - 2025) với những phương án hỗ trợ sản xuất, sinh kế, định hướng trồng cây điều, sắn cao sản; đồng thời, tăng cường đào tạo nghề nông thôn để thay đổi cách nghĩ, cách  làm, đa dạng trong lựa chọn nghề nghiệp của người dân 4 làng Đồn. Hiện thu nhập người dân 4 làng Đồn đã lên 25 triệu đồng/người/năm. Phong tục, tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ, nhà cửa khang trang, buôn làng hạnh phúc.

Ông Trần Quang Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai cho biết, xã xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là người dân trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương sẽ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để xây dựng làng nông thôn mới, phấn đấu xây dựng xã Chư A Thai đạt chuẩn  nông thôn mới vào năm 2023.

 “Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” được Gia Lai xác định là nhiệm vụ ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới bao gồm 5 nhóm tiêu chí là quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; chính trị - quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa thành bộ tiêu chí làng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương để tổ chức thực hiện.

Gia Lai phấn đấu từ nay đến năm 2025 có thêm 300 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 39,75% tổng số làng đồng bào dân tộc thiểu số. Để đạt được mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên yêu cầu cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên, liên tục, làm thực chất, xuất phát từ sự chủ động của chính từ người dân các thôn, làng. 

Hồng Điệp