Tiếng nói của già làng, trưởng bản

- Thứ Tư, 28/09/2022, 06:14 - Chia sẻ

Là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản chính là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu đã bám rễ sâu vào đời sống cộng đồng.

Vừa nói, vừa làm

Tiếng lành đồn xa về một già làng dân tộc Hà Nhì, thôn Tả Khố Khừ, xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên, tên là Pờ Dần Xinh. Trên vùng biên viễn phía cực Tây của Tổ quốc, ông là người giúp bà con ở Sín Thầu xóa bỏ dần cảnh đời sống tăm tối bởi cái đói, cái nghèo, bởi những hủ tục vốn là gánh nặng truyền đời nơi đây.

Các già làng trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác xã hội - Nguồn ảnh: Báo Biên phòng
Các già làng trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác xã hội. Nguồn: Báo Biên phòng

Ông Pờ Dần Xinh kể lại, ngày trước đi học là điều rất “không thiết thực” với bà con, bởi cái ăn còn chưa đủ, nhưng ông là một trong những người đầu tiên trong bản học hết trung học phổ thông. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Kiến thức được mở mang giúp ông Pờ Dần Xinh nhận ra không biết bao nhiêu hủ tục, lạc hậu kéo ghì đời sống của những con người sinh ra ở vùng đất thâm sơn cùng cốc ấy.

Làm thế nào cho đời sống khấm khá lên được? Ông Pờ Dần Xinh tìm câu trả lời bằng cách tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người dân. Ông bảo, nắm được chính sách để tuyên truyền, vận động nhưng phải song song với hành động. Mình phải làm, bà con mắt thấy tai nghe mới tin theo. “Mình là người đầu tiên trong bản làm nhà mái ngói, người đầu tiên mang máy tuốt lúa về, rồi mua xe máy, người đầu tiên đào ao thả cá, người đầu tiên có con trai tốt nghiệp đại học. Cứ nghĩ, phải có cái đầu tiên ấy thì mới có thứ hai, thứ ba... Nhìn mình làm được người ta mới nghe điều mình nói…”.

Ông Pờ Dần Xinh nhớ lại, ngày trước ở Sín Thầu, bà con bảo ai lười mới đi học, còn chăm chỉ là phải đi rừng lấy củi, săn thú, bắt cá suối. Nam nữ cứ 13, 14 tuổi là lấy nhau, thách cưới nhiều vô kể. Nhà nào có đám ma tổ chức mấy ngày, có người ốm thì chữa bệnh bằng cách cúng bái linh đình để xua đuổi tà ma…

“Hủ tục, lạc hậu ấy đều đi từ cái đói, cái nghèo, từ dân trí thấp mà ra. Mình là người thấy được tác hại của nó, thấy được cách để xóa bỏ gánh nặng từ đó thì vận động bà con. Con em được đến trường, thấy bạn bè trang lứa đi học thì nạn tảo hôn sẽ mất dần. Áp dụng kỹ thuật máy móc vào sản xuất làm cho đời sống có của ăn của để, văn minh xã hội thì cũng giảm bớt tục thách cưới. Rồi bà con ốm đau ra trạm y tế, có thuốc men chữa khỏi thì sẽ không lo cúng bái đuổi tà nữa”, ông Pờ Dần Xinh nói.

Có giá trị thuyết phục

Trên khắp cả nước, nhiều già làng, trưởng bản như ông Pờ Dần Xinh đã tích cực phát huy vai trò của mình trong cộng đồng, để giúp người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước trong bài trừ hủ tục, lạc hậu. Như ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa có Trưởng bản Chá Văn Dia. Ý thức về cái đói, cái nghèo một phần đến từ những hủ tục, lạc hậu, trong nhiều năm, bằng uy tín của mình ông đã đến từng nhà vận động bà con xóa bỏ phong tục ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, như tục thách cưới cao, đặc biệt là bỏ hủ tục tang ma không chôn cất người sau khi chết mà để trên cáng tổ chức cúng bái nhiều ngày gây tổn hại sức khỏe, lãng phí, tốn kém… Hay già làng A Do, làng Bung Kon, xã Đăk Plô, Đăk Glei, Kon Tum, luôn đau đáu với những hệ lụy của các phong tục lạc hậu, tích cực tuyên truyền, vận động người dân khi ốm đau phải đi bệnh viện, không tổ chức cưới xin hay ma chay nhiều ngày…

Già làng là những người cao tuổi sinh ra và lớn lên gắn bó lâu năm với bà con dân bản, là người có uy tín lớn trong từng cộng đồng dân tộc thiểu số, được bà con dòng họ, dân làng suy tôn, dân bản phải nghe theo già làng. Còn trưởng bản là những người có trình độ nhận thức, hiểu biết nhiều hơn so với người khác, có uy tín, được bà con trong bản bầu lên để thay mặt mình chăm lo mọi công việc trong bản.

Theo già làng Đặng Văn Háu, thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, Vị Xuyên, Hà Giang, không chỉ dùng lời lẽ để tuyên truyền, vận động, già làng còn phải là tấm gương đi đầu trong bài trừ hủ tục ở địa phương. “Mình là người nắm được chính sách, pháp luật của Nhà nước thì tuyên truyền, vận động bà con, nhưng mình cũng phải là người thực hiện trước. Bà con thấy nhà mình làm, thấy tốt thì học theo. Như trước đây cưới xin, ma chay, bà con làm rất rườm rà, nghi lễ kéo dài 4 - 5 ngày, gây tốn kém, bây giờ dần xóa bỏ rồi”.

Chính bởi vai trò, vị thế rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nên tiếng nói, hành động của già làng, trưởng bản có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho cả cộng đồng nơi họ sinh sống. Nói như già làng Rađêl Ví, thôn Ađâu, xã Dang, Tây Giang, Quảng Nam: “Tôi là già làng, là cây cao bóng cả, thì bản thân tôi phải chấp hành tốt để làm gương thì nói bà con mới nghe. Nên tôi ý thức rất cao về vai trò, trách nhiệm của mình trong bài trừ hủ tục, lạc hậu”.

Việc loại bỏ những hủ tục ra khỏi đời sống của người dân các dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng cao, là việc làm không đơn giản. Tâm lý của phần đông đồng bào chỉ tin vào những điều mắt thấy, tai nghe. Hơn ai hết, già làng, trưởng bản là người có khả năng vận dụng chính phong tục tập quán bản địa để giải quyết những vấn đề phức tạp trong đời sống. Bằng sự gắn bó, hiểu biết từng người dân trong bản, trong gia đình, họ tộc của mình, tiếng nói cũng như hành động của họ có giá trị thuyết phục trong vận động bà con làm theo. Bởi vậy, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản có ý nghĩa rất lớn đối với việc bài trừ hủ tục, lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định, phát triển đời sống xã hội ở địa phương.

Hải Đường