Sản xuất rau an toàn: Loay hoay tìm đầu ra

- Thứ Sáu, 12/08/2022, 15:04 - Chia sẻ

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, việc mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn ở các địa phương đang là xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp. Tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế, nhiều hộ sản xuất rau an toàn ở Văn Đức vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản.

Nút thắt đầu ra

Thời gian qua, năng suất, chất lượng và sản lượng rau an toàn cung cấp ra thị trường của xã Văn Đức, huyện Gia Lâm đã tăng rõ rệt do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún gây khó khăn trong công tác quản lý đầu vào và chất lượng nông sản; nông dân cũng gặp khó trong khâu tiêu thụ rau an toàn, giá thành chưa tưng xứng với chi phí sản xuất…

Chị Đinh Thị Luyến, đội 2, thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm chia sẻ: “Khi sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, bảo đảm thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiến hành ghi chép nhật ký đồng ruộng. Vụ này, gia đình tôi đang trồng rau cải bẹ nên phải đầu tư thêm mái che nilon để và lắp đặt thêm hệ thống phun sương tưới rau. Chi phí sản xuất rau an toàn cao hơn, khi mang đi tiêu thụ thường bị đánh đồng so với rau được sản xuất truyền thống. Mặc dù là rau an toàn nhưng hiện nay gia đình tôi vẫn phải tự tìm đầu ra hoặc chờ đầu mối đến thu mua”.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Thúy, đội 12, thôn Chử Xá, xã Văn Đức - gia đình chị có 1 sào diện tích trồng rau cải ngọt chuyên cung cấp cho các đầu mối đến thu mua tại ruộng. Chị cho biết, tuy đã liên kết với một số doanh nghiệp để tiêu thụ rau an toàn, nhưng sau một thời gian, liên kết này không được duy trì do các doanh nghiệp thường có nhu cầu tiêu thụ lớn thì sẽ nhập nhiều, tiêu thụ được ít thì nhập ít chứ không cố định sản phẩm sản lượng gieo trồng đầu ra.

Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết: “Cái khó của tiêu thụ rau an toàn hiện nay chính là giải quyết đầu ra, không riêng gì Văn Đức mà tất cả các Hợp tác xã sản xuất rau an toàn nói chung đều gặp chung thực tế như vậy. Do chưa có hợp đồng liên kết sản xuất lâu dài với các doanh nghiệp, với số lượng lớn rau an toàn cung cấp ra thị trường dẫn đến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn”.

Tìm đầu ra cho rau an toàn
Tìm đầu ra cho rau an toàn

“Gỡ khó” trong tiêu thụ rau an toàn

Bí đầu ra trong tiêu thụ nông sản khiến cho các hộ dân ở Văn Đức không còn mặn mà với việc sản xuất rau an toàn. Để tháo gỡ bài toán đầu ra cho vùng rau an toàn này cần sự nỗ lực từ các cấp, các ngành trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Có được như vậy, người dân mới yên tâm sản xuất, tạo ra những nông sản chất lượng, mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trước thực tế trên, không riêng gì xã Văn Đức mà các địa phương cần thực hiện rà soát, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân. Các hợp tác xã sản xuất rau an toàn cần làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy thành lập các tổ liên kết; xây dựng chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn để kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu nông sản phải có điều kiện ràng buộc nhằm đảm bảo quyền lợi hai bên tiến tới xây dựng mối liên kết bền vững.

Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho rằng, để các vùng rau an toàn phát triển ổn định, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết với các Hợp tác xã sản xuất chuyên canh như Văn Đức. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý của Nhà nước, có các chính sách mới để người dân được hưởng lợi cũng như tiếp cận để liên kết sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả hơn nữa; tuyên truyền vận động người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, giảm thiểu tình trạng người dân chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu rau an toàn cần được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng. Nông sản khi đưa ra tiêu thụ cần phải có nhãn mác, đóng gói theo quy định để người tiêu dùng có thể phân biệt được rau an toàn với các sản phẩm truyền thống. Đối với các vùng sản xuất rau an toàn cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm định chất lượng nông sản thường xuyên, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Thuỳ Linh – Dịu Hương
#