Tìm hiểu tôn giáo

Phật giáo - Hộ quốc, an dân

- Thứ Hai, 30/05/2022, 06:39 - Chia sẻ

Gần 2000 năm có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã trải qua nhiều thăng trầm, song thời nào cũng lấy đức từ bi để giáo hóa chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành với dân tộc.

Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm so với các tôn giáo khác và có sự gắn bó, hòa đồng với truyền thống, văn hóa, bản sắc của dân tộc Việt, được người Việt chấp nhận để có thể tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Phật giáo khi truyền vào Việt Nam lúc đầu phát triển theo đơn vị gia cư, mỗi cơ sở Phật giáo như là một gia đình, gọi là “Trụ xứ tòng lâm”, từ đó lại phát triển ra nhiều chùa theo một sư tổ, thành một dòng họ và được gọi thành tên khác nhau ở mỗi miền, ở miền Bắc gọi là “Sơn môn”, ở miền Trung gọi là “Môn phái” và miền Nam gọi là “Môn phong”.

Trải qua các triều đại, Phật giáo Việt Nam đều có những đóng góp to lớn trong công cuộc hộ quốc an dân. Công lao của Phật giáo Việt Nam đã được các triều đại, nhà nước và lịch sử Việt Nam ghi nhận. Thời nhà Đinh có Thiền sư Ngô Chân Lưu (933 - 1011) được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Khuông Việt Đại sư và phong chức Tăng thống, đứng đầu Phật giáo cả nước vì những đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thời nhà Lý có Thiền sư Vạn Hạnh được vua Lý Công Uẩn phong làm Quốc sư vì đã có nhiều cống hiến để xây dựng nên sự thịnh vượng của vương triều Lý. Ngoài ra còn có các vị Thiền sư: Đa Bảo, Sùng Phạm, Không Lộ, Mãn Giác, Viên Thông... là những danh tăng đã hết lòng phù trợ triều đình để xây dựng đất nước phát triển rực rỡ trong một thời gian dài...

Phật giáo Việt Nam gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc - Nguồn: Giác Ngộ
Phật giáo Việt Nam gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc
Nguồn: Giác Ngộ

Thời nhà Trần, đạo Phật tuy không trực tiếp tham gia vào các công việc triều chính như trước nhưng lại có đóng góp to lớn về các mặt tư tưởng, văn hóa, xã hội. Các Thiền sư, Hoàng đế thời Trần đã lập nên một hệ tư tưởng cho Phật giáo Việt Nam, đó là Thiền phái Trúc Lâm và tiêu biểu là Đức vua Trần Nhân Tông sau khi rời bỏ ngai vàng đã khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, nhiều tăng, ni, cư sĩ, Phật tử Phật giáo Việt Nam đã tham gia đoàn quân cứu nước và nhiều vị đã anh dũng hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Nhiều ngôi chùa Phật giáo Việt Nam đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, dự trữ lương thảo, quân nhu... phục vụ quân đội trong suốt những năm tháng chiến tranh.

Đánh giá về công lao của Phật giáo đối với dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng từng phát biểu trong buổi tiếp các đại biểu của Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam: “Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo mà từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình đã biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc”.

Ngọc Hà