Chuyển đổi số và liên thông thư viện

Nâng cao tri thức cộng đồng

- Thứ Hai, 23/05/2022, 20:28 - Chia sẻ

Chuyển đổi số và liên thông thư viện làm thay đổi vị thế và hoạt động căn bản, toàn diện của thư viện, đóng góp tích cực phát triển văn hóa cộng đồng.

Nâng cao tri thức cộng đồng -0
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội thảo "Chuyển đổi số và liên thông thư viện" sáng 23.5 - Ảnh: Thanh Tùng

Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, một trong những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại là giúp thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn, đặc biệt là trong việc hưởng thụ những giá trị văn hóa.

“Thư viện là một trong những chủ thể tiên phong trong chuyển đổi số. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và cần được ưu tiên thực hiện. Bởi thư viện chính là địa điểm cung cấp, nâng cao tri thức cho người dân trong cộng đồng”, bà Thủy nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng để triển khai chuyển đổi số và liên thông thư viện, chúng ta còn rất nhiều thách thức phải đối mặt như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính…

Theo Phó Giám đốc Thư viện Thành phố Cần Thơ Nguyễn Nhã, vấn đề chuyển đổi số, liên thông thư viện hiện nay quá chậm và có phần mang tính tự phát; vấn đề biên mục tập trung nhưng vẫn chưa được triển khai.

"Hiện nay, dữ liệu thư mục của Thư viện Quốc gia đôi lúc còn chậm, nên các thư viện tỉnh ít khi dùng những biểu ghi đã biên mục sẵn. Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách vẫn để ngỏ vấn đề này, cho nên đa số thư viện tự biên mục là chính. Việc mượn sách in giữa các thư viện chỉ dừng lại ở chỗ thấy tiện thì cho, không thì thôi, chưa có chính sách làm thẻ và mượn sách in liên thư viện rõ ràng...", ông Nhã chia sẻ.

Chưa kể đối với cơ sở dữ liệu số và tài liệu số hóa chỉ dừng lại ở việc chia sẻ link, chưa có chính sách chia sẻ và quản lý việc chia sẻ như thế nào để định hướng phục vụ dạng tài liệu này một cách bài bản. 

Hay có trường hợp tổ chức kho tài liệu in giấy tự chọn (kho mở) chưa thực sự thuận tiện cho người đọc. Bên cạnh đó, một thực tế đáng buồn là người đọc ngày càng ít vào thư viện. Nhiều thư viện tỉnh mở cửa hàng ngày, vốn tài liệu bổ sung đầy đủ, dịch vụ mượn, trả, gia hạn, hỗ trợ thực hiện một cách tích cực nhưng vẫn khó thu hút người đọc...

Xây dựng nền tảng kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu

Để khắc phục tình trạng trên, tích cực triển khai các hoạt động liên thông thư viện nhằm mang lại giá trị thiết thực, thay đổi vị thế và hoạt động căn bản, toàn diện của thư viện, ngành thư viện đã và đang đưa ra nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể.

Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu rõ, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là hiện đại hóa hạ tầng công nghệ để bảo đảm đáp ứng kết nối 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung.

Bên cạnh đó, triển khai nền tảng dữ liệu số theo nguyên tắc “dữ liệu chỉ từ một nguồn”. “Hiện nay, chúng ta có khoảng 31.000 thư viện, trong đó hàng loạt thư viện công cộng được đầu tư song chưa được liên thông trên nhiều mặt. Việc chuyển đổi và liên thông thư viện sẽ giúp xây dựng nền tảng kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin”, ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, liên thông thư viện cần được thực hiện dựa trên nhóm khu vực địa lý; chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; lĩnh vực, nội dung tài nguyên thông tin hoặc cũng có thể liên thông giữa các loại thư viện.

Triển khai kế hoạch này, Vụ Thư viện đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% thư viện công lập sẽ hoàn thiện và phát triển hạ tầng dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ hoặc văn bản hợp tác.

Bên cạnh đó, 100% thư viện công lập sẽ có trang thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp thành phần dữ liệu mở; 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý sẽ được số hóa; 60% thư viện trong cả nước sẽ được kiểm duyệt thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.

Nâng cao tri thức cộng đồng -0
Hệ thống thư viện cần phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông,
chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện - Ảnh: HS

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong thư viện, liên thông ở mọi loại hình thư viện, cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng, ông Hùng chỉ ra 4 nhiệm vụ trọng tâm: Số hóa tài liệu quốc gia, xây dựng dự án mục lục liên hợp quốc gia, xây dựng dự án cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam và triển khai chương trình nâng cao trình độ nguồn lực thư viện.

Giám đốc Thư viện Bắc Kạn Hoàng Văn Sơn cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng, triển khai các phần mềm quản lý thư viện, thư viện số vào hoạt động thư viện; chú trọng phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện tới Thư viện Quốc gia, thư viện các tỉnh, thành phố.

Còn Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định Nguyễn Ngọc Sinh thông tin, các thư viện địa phương đang cải tạo không gian thư viện theo hướng hiện đại hóa; xây dựng và phát triển nền tảng thư viện số dùng chung, đáp ứng nhu cầu cộng đồng theo cách mới và sáng tạo. "Ngay cả khi cánh cửa thư viện đóng lại, họ vẫn cung cấp quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên kỹ thuật số, tổ chức các sự kiện trực tuyến... phục vụ người dân mọi lúc, mọi nơi".

Ông sinh lưu ý, khi chuyển đổi tài nguyên thông tin số của các thư viện lên hệ thống dùng chung cần tránh các vấn đề: Chất lượng tài liệu được số hóa, yếu tố bản quyền... Các tài nguyên thông tin này chỉ được sử dụng ở chính thư viện đó và không được chia sẻ khi chưa đáp ứng các điều kiện trên.

Hương Sen
#