Đề cao “con mắt” người trong cuộc

- Thứ Tư, 28/09/2022, 06:17 - Chia sẻ

“Cái gì có lợi cho sự phát triển của cuộc sống đương đại là tốt, cái gì cản trở, gây tác hại thì cần loại bỏ. Nhưng trong phong tục, tập quán còn có loại thứ ba, phổ biến hơn, không gây hại, không cản trở đời sống nhưng khác lạ thì nên tôn trọng”. Đó là gợi mở của TS. TRẦN HỮU SƠN, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về bài trừ hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôn trọng sự đa dạng

- Là người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với vùng miền núi phía Bắc, ông nhìn nhận thế nào về hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số?

- Trước tiên, ta nên thống nhất với nhau về hướng tiếp cận. Ấy là tôn trọng đa dạng văn hóa. Điều này rất quan trọng khi mỗi dân tộc có nền văn hóa khác nhau, mỗi tộc người có kho tàng văn hóa khác nhau. Bác Hồ nói nhiều về sự đa dạng ấy, trong chính sách của Đảng cũng đề cập, nhưng thực tế, ở ta còn duy ý chí, lấy thước đo của người Kinh ở đồng bằng, hay của các nước Âu Mỹ, cho rằng phong tục của đồng bào dân tộc là lạc hậu, mê tín dị đoan.

Đề cao “con mắt” người trong cuộc -0

Ví dụ năm 2017, trước khi diễn ra lễ hội treo trâu của người Tày ở Đông Cuông, Văn Yên, Yên Bái, hình ảnh con trâu bị treo lên cây những năm trước lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho nghi thức này tàn nhẫn, không phù hợp với ngày nay, lãnh đạo địa phương cũng sợ bị cho là phản cảm nên lệnh không tiến hành nghi lễ treo trâu. Tôi đến tận nơi tìm hiểu, chứng kiến mới thấy phong tục này không phản cảm như nhiều người nghĩ. Tục treo trâu mang ý nghĩa vùng miền, gắn với cuộc chiến chống Nguyên Mông xưa, người ta coi trâu là tù binh, treo trâu để hiến tế. Lên án khi chưa hiểu coi như giết chết một phong tục của địa phương, là xâm lăng văn hóa, vi phạm quyền văn hóa.

Nhưng thưa ông, để nhận biết phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số cái nào là lạc hậu, cái nào không, đâu có dễ?

- Vậy thì trước nhất không nên coi văn hóa dân tộc thiểu số là lạc hậu, mà phải xét hậu quả của nó có cản trở đời sống không. Ở ta thường cứ thấy khác lạ là lên án. Gần đây, dư luận xôn xao về tục kéo vợ, coi là hủ tục. Không phải, biến tướng của nó mới là hủ tục. Có những đối tượng lợi dụng tập tục tốt đẹp của người Mông để diễn biến từ kéo sang bắt, cướp vợ. Xu hướng biến tướng ấy đã bỏ qua cái lý của người Mông là phải có sự tôn trọng, đồng ý của người con gái, cái ấy cần pháp luật can thiệp loại bỏ.

Hoặc một số dân tộc ở Tây Nguyên có tục trong quá trình sinh nở nếu người mẹ chết, con dù mới sinh cũng phải chôn theo, hoặc người mẹ chết vì lý do nào đấy khi đứa con còn rất nhỏ thì con cũng bị chôn theo mẹ, vì quan niệm con nhỏ bơ vơ và linh hồn của người con và người mẹ phải luôn ở bên nhau. Đấy là hủ tục, mặc dù đồng bào có lý riêng.

Hay vùng đồng bào Rục là dân tộc ít người nhất ở Quảng Bình, tình trạng hôn nhân cận huyết chiếm tỷ lệ cao. Họ tuân theo quan niệm phải hôn nhân đồng tộc, con cô con cậu có quyền lấy nhau, sinh ra một thế hệ cận huyết. Ấy là lạc hậu, không thể duy trì.

Phải nhìn văn hóa dưới góc độ của người dân, của cộng đồng. Những gì phù hợp, có lợi cho cuộc sống là tốt, còn cái cản trở, gây tác hại thì cần loại bỏ. Nhưng trong phong tục tập quán còn có loại thứ ba, phổ biến hơn, không gây hại, không cản trở đời sống nhưng khác lạ thì cứ kệ nó, nên tôn trọng.

Hai kinh nghiệm để đời

Từng giữ cương vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, ông có câu chuyện nào đáng nhớ liên quan đến công tác bài trừ hủ tục ở địa phương?

Tôi xin đưa ra hai câu chuyện. Năm 2003, Ủy ban Dân tộc, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề nghị Tỉnh ủy vận động đồng bào Mông ăn Tết cùng lịch với người Kinh. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khi ấy bảo tôi nghiên cứu. Thực sự, mình cứ nghĩ cái Tết riêng của người Mông là lạc hậu, nếu gộp một thì đỡ tốn kém, con cái được nghỉ học hành, công việc về ăn Tết cùng, thuận quá chứ. Thế là tuyên truyền, tổ chức họp cán bộ chủ chốt, già làng, đoàn thể. Tại buổi họp, tôi trình bày mục đích, ý nghĩa, già làng mãi sau mới đứng lên bảo, cán bộ nói thế hay lắm nhưng sai cái lý của người Mông. Người Mông ăn một cái Tết khác từ ngàn xưa để lại, đấy là ăn Tết cả làng, ăn Tết từng nhà, xong Tết cũng đến mùa làm nương rẫy, khác mùa làm nông của người Kinh. Tôi nghe, về nghiên cứu mới thấy đúng và cuối cùng bỏ cuộc vận động ăn Tết chung ấy.

Tục kéo vợ vốn là một nét đẹp lâu đời của người Mông
Tục kéo vợ của người Mông đang bị biến tướng

Lần khác, tôi đến dự đám tang cũng của đồng bào Mông. Lễ viếng của các dòng họ, đặc biệt là của thông gia có cả đội kèn đi cùng, rất hay, nhưng ngồi gần, tôi phải bịt khẩu trang. Người ta đưa người chết vào hai thanh tre như băng ca treo giữa nhà, đám tang để đến bảy ngày, vì xem ngày đi chôn không đẹp. Bấy giờ, tỉnh mới vận động bà con chỉ để 48 tiếng, muộn lắm ba ngày, để tránh ô nhiễm. Còn có ý kiến yêu cầu người Mông cho người chết vào quan tài. Tôi nghe đều thấy hợp lý. Khoảng 2 năm sau đi thực tế, mới thấy người Mông không làm quan tài mà làm băng ca là có lý của họ. Bởi người Mông sống ở núi cao, đường núi dốc, đi lại khó khăn, quan tài chỉ phù hợp với vùng thấp.

Cho nên, nhiều ý mình đưa ra, có cái đúng, nhưng nhiều cái tưởng là tốt thực ra rất cực đoan, duy ý chí.

Đồng thuận từ dưới lên

- Theo ông, đối với những phong tục, tập quán được xác định là hủ tục cần loại bỏ thế nào hiệu quả?

- Như dẫn chứng về đám tang, để bà con không tổ chức dài ngày thì đối tượng tác động hiệu quả nhất chính là thầy cúng. Trong tôn giáo, tín ngưỡng, bà con dân tộc nào cũng cần những người hướng dẫn nghi lễ, nếu thầy cúng nói không để lâu quá, thay vì chọn ngày đẹp thì chọn giờ đẹp, đi hướng tốt, bà con chắc chắn nghe theo. Mở rộng ra, bài trừ hủ tục phải nghiên cứu cụ thể nên tác động đến đối tượng nào, có tộc người già làng, trưởng bản là quan trọng, có tộc người thì vai trò của thầy cúng quan trọng, vì họ nắm rõ tri thức của cộng đồng.

- Còn nếu bàn đến những giải pháp căn cơ, thì đó là gì?

- Đầu tiên, thể chế chính sách, các văn bản luật phải tiếp cận ở góc độ tôn trọng văn hóa của đồng bào. Thứ hai, đề ra chính sách phải dựa trên nghiên cứu thực tiễn. Thứ ba là đào tạo cán bộ, trước đây tôi đi các lớp tập huấn, đưa ra câu hỏi trao đổi thì phần lớn, kể cả lãnh đạo ngành văn hóa cũng chưa nắm được văn hóa của đồng bào mình. Thứ tư, rất quan trọng, đó là sự phối hợp giữa ba bên: Người dân (đại diện là già làng, trưởng bản, thầy cúng), cán bộ ngành văn hóa (chính quyền), nhà tư vấn (nhà khoa học). Quản lý xã hội có hai yếu tố, quản lý chính thức là pháp luật, phi chính thức là phong tục, tập quán, công tác bài trừ hủ tục trước nay chúng ta mới chú ý cái thứ nhất là quản lý bằng pháp luật thôi.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thư thực hiện