Chuyên trang Chính sách dân tộc và tôn giáo

Đẩy nhanh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

- Thứ Hai, 30/05/2022, 06:44 - Chia sẻ

Theo ĐBQH, Thượng tọa THÍCH ĐỨC THIỆN - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên, cử tri, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên mong muốn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con trên chính mảnh đất của mình.

Phát triển giao thông, sửa Luật Đất đai

- Xin Thượng tọa cho biết tâm tư, nguyện vọng của cử tri và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên gửi tới Quốc hội trong Kỳ họp thứ Ba?

“Cử tri, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, của Quốc hội, sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương trong công cuộc chống dịch vừa qua, nhất là việc phủ vaccine kịp thời cho đồng bào để sớm bước vào cuộc sống bình thường mới. Đồng bào cũng tin tưởng và kỳ vọng vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mong muốn có các chính sách thiết thực, sát với điều kiện, hoàn cảnh của Nhân dân, trong đó có nông nghiệp, nông thôn, nông dân”.

ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện

- Một trong những vấn đề cử tri Điện Biên mong muốn nhất là nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh, đặc biệt là giao thông. Những ngày qua, mưa lũ làm nhiều cung đường tại Điện Biên bị sạt lở, việc đi lại của bà con vốn đã xa xôi, cách trở, nay càng bị ngăn cách hơn, cho thấy nhu cầu và mong mỏi sớm được đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương. 

Cử tri kiến nghị đẩy nhanh việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã phê chuẩn: Chương mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Nếu được tổ chức triển khai nhanh chóng, đồng bào các dân tộc sẽ được thụ hưởng hiệu quả của các chương trình này, trong đó có giao thông, cơ sở hạ tầng phát triển nông thôn.

Qua các đại biểu Quốc hội, cử tri cũng gửi gắm đến Quốc hội nguyện vọng sớm sửa đổi Luật Đất đai. Luật Đất đai hiện hành có những bất cập liên quan đến đất rừng. Đồng bào các dân tộc chủ yếu sống ở vùng rừng núi, tư liệu sản xuất đất đai khó khăn. Trong khi đó, chính quyền và các nhà đầu tư đang cố gắng đưa mắc ca trở thành một cây chiến lược cho giảm nghèo bền vững ở Điện Biên và vùng Tây Bắc. Cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết của khu vực này, vừa là cây công nghiệp, cây lâu năm, cũng giúp phủ xanh đồi trọc, bảo vệ rừng. Cho nên cử tri mong muốn Quốc hội sớm sửa Luật Đất đai để đồng bào các dân tộc có thể sinh sống, phát triển, giảm nghèo bền vững trên chính mảnh đất của mình.

ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tại Hội trường - Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tại hội trường
Ảnh: Q. Khánh

Có không gian thực hành niềm tin

- Những kiến nghị trong lĩnh vực đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào thì sao, thưa Thượng tọa?

- Vừa qua, nhân kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã long trọng tổ chức khánh thành Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Điện Phủ. Công trình là tâm nguyện của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên từ nhiều năm qua, nhằm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã hy sinh tại chiến trường Điện Điện Phủ. Các nghĩa trang ở Điện Biên đều là những tượng đài, chưa có nơi thờ cúng theo truyền thống, cho nên Đền thờ được khánh thành đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con.

Cũng trên tinh thần ấy, cử tri, đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các tín đồ Phật giáo mong muốn mỗi huyện trên địa bàn tỉnh sẽ có một trung tâm văn hóa Phật giáo để bà con không phải đi xa mà vẫn có không gian thực hành niềm tin của mình. Đồng thời, cũng mong muốn những trung tâm văn hóa Phật giáo đó sẽ trở thành điểm du lịch, thu hút đồng bào Phật tử khắp nơi trong cả nước, du khách quốc tế đến Điện Biên, góp phần đưa du lịch thành trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ này.  

Sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

- Nhân dân, cử tri Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung đang mong chờ ba chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng như thảo luận tại đầu kỳ họp này, việc phân bổ vốn cho các chương trình đang bị chậm. Theo Thượng tọa, việc chậm trễ này ảnh hưởng như thế nào đến đời sống cũng như niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước?

- Như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trên nghị trường, nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương, trong khi kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình đã được Quốc hội quyết nghị thông qua là 34.049 tỷ đồng.

Trước hết, sự chậm trễ này không đáp ứng được mong mỏi của cử tri nói chung, của đồng bào các dân tộc nói riêng. Thứ hai, khi đã phân bổ mà không thực hiện được thì sẽ gây lãng phí, làm chậm tiến trình phát triển, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta đang tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, việc chậm thực hiện các chương trình làm suy giảm niềm tin của đồng bào vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì đồng bào dân tộc chỉ nhìn vào những kết quả cụ thể, chẳng hạn như làm hoặc sửa một con đường, kéo điện lưới... nếu chờ mãi không thấy, đồng bào sẽ mất niềm tin, khiến việc tuyên truyền thực hiện chủ trương, chính sách gặp khó khăn.

Để tháo gỡ những vấn đề này, chúng tôi nghĩ cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện theo đúng quy định pháp luật, nhưng những gì có thể tiến hành nhanh gọn về thủ tục, chúng ta phải thực hiện sớm, tránh vướng mắc, chờ đợi lâu. Địa phương sớm có danh mục đầu tư gửi các bộ, ngành Trung ương; bộ, ngành Trung ương cần sớm thẩm định và ra quyết định đầu tư. Có như vậy, mới thực hiện các chương trình nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.

- Xin cảm ơn Thượng tọa!

Anh Minh - Thảo Nguyên thực hiện