Chuyển đổi năng lượng phải công bằng và bình đẳng

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 08:32 - Chia sẻ

Quá trình chuyển đổi năng lượng phải công bằng và toàn diện thông qua việc tạo ra các cơ hội kinh tế mới, tạo việc làm và đào tạo lại kỹ năng, xây dựng năng lực và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội.

Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh điều này tại hội thảo quốc tế "Chuyển đổi năng lượng công bằng và Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu", do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, chiều 26.5.

Chất xúc tác để đạt muc tiêu phát triển bền vững

Nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp như kêu gọi trong Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu đòi hỏi nhiều giải pháp. Trong đó bao gồm các cách tiếp cận đổi mới sáng tạo, công bằng và bền vững để khử carbon cho nền kinh tế và chuyển đổi năng lượng toàn diện trên quy mô toàn cầu, trong khi vẫn cần đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu và mục tiêu phát triển.

Ngoài các mục tiêu về khí hậu, quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng cũng có thể tạo xúc tác để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Chuyển đổi các hệ thống năng lượng sẽ tạo ra việc làm mới, tăng tiếp cận năng lượng sạch và hiện đại, đồng thời trao quyền cho người dân và xã hội để các quốc gia chống chịu tốt hơn và thịnh vượng hơn.

Để đạt được các cam kết khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu trước các động tiêu cực ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển rất cần sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tri thức, tăng cường năng lực từ cộng đồng quốc tế để có thể xây dựng và triển khai hiệu quả các lộ trình phát triển carbon thấp.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường.

Đồng thời, cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng cần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm người dân được tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng, hỗ trợ cho những người bị tác động bởi quá trình chuyển đổi.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng cần công bằng, theo đó, mỗi quốc gia cần quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính trong quá khứ cần thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực, chuyển đổi năng lượng tại các nước đang phát triển cần có lộ trình phù hợp và tính đến điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia.

Mỗi quốc gia có những ưu tiên, thách thức và nhu cầu riêng

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, tài chính về khí hậu và sáng tạo cả trong và ngoài nước, cả khu vực tư và khu vực công có tầm quan trọng hàng đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Chính phủ các nước có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân bằng cách đưa ra các cơ chế định giá và quy định minh bạch, cũng như thông qua các khoản đầu tư công chiến lược vào cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Đối với các nước đang phát triển, quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải công bằng và dựa trên sự bình đẳng để họ có thể chuyển đổi bền vững sang nền kinh tế carbon thấp và thiết lập quỹ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Quá trình chuyển đổi năng lượng phải công bằng và toàn diện cho người lao động, cộng đồng địa phương và những người bị ảnh hưởng thông qua việc tạo ra các cơ hội kinh tế mới, tạo việc làm và đào tạo lại kỹ năng, xây dựng năng lực và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

Theo các đại biểu, mỗi quốc gia sẽ có những ưu tiên, thách thức và nhu cầu riêng trong chuyển đổi hệ thống năng lượng của họ. Hơn nữa, các quốc gia đang ở những giai đoạn rất khác nhau trong lộ trình triển khai chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, chuyển đổi năng lượng “công bằng” là một khái niệm mới, mang tính chuyển đổi sâu rộng, liên quan đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, hình thành trong tư duy của các bên liên quan chính cũng rất khác nhau. Do đó, cần tăng cường đối thoại giữa các nước và các bên liên quan để nâng cao hiểu biết, tăng cường hợp tác và lập kế hoạch một cách có định hướng.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh này, quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETPs) là một giải pháp. Đây là quan hệ đối tác tham vọng và lâu dài nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển phát thải ít carbon và chống chịu với biến đổi khí hậu ở các nền kinh tế mới nổi, đang trở thành một phần không thể tách rời trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Nam Phi là nước đầu tiên công bố JETP với Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG). Sau đó, Việt Nam và Indonesia cũng đã tham gia JETP lần lượt vào tháng 11 và 12 năm 2022.

Vũ Quang
#