Không khoảng cách

- Thứ Năm, 16/07/2020, 18:46 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Già hóa dân số không phải là một thảm họa mà là một cơ hội để chúng ta suy nghĩ về một xã hội mong muốn, để cả người cao tuổi và người trẻ tuổi đều được hưởng cuộc sống hạnh phúc và có cơ hội để phát triển. Đồng thời, cân nhắc xem liệu các thế hệ khác nhau có thể hỗ trợ lẫn nhau như thế nào trong tình hình xã hội đang thay đổi một cách bền vững. Đó là thông điệp mà triển lãm ảnh "Không khoảng cách” do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tổ chức mới đây gửi đến người xem.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Lê Cảnh Nhạc cho biết, trong 50 năm tới đây, số lượng người cao tuổi trên thế giới sẽ tăng từ khoảng 600 triệu lên đến 2 tỷ người. Hiện nay cứ 10 người thì có một người thì có một người từ 60 tuổi trở lên, đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ là 1:5 và đến năm 2150 sẽ là 1:3. Già hóa là vấn đề của toàn cầu, chứ không chỉ tập trung ở một số quốc gia.

Nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2014, số người cao tuổi đã tăng 10,5% trong tổng dân số và dự đoán dân số sẽ tăng gấp đôi là 23% vào năm 2040. Trong bối cảnh thế giới đang xây dựng một chương trình nghị sự mới về phát triển và cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nước ta cần phải có một cách nhìn nhận mới về mô hình già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế, cũng như bảo vệ quyền của người cao tuổi.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng vừa mới phê chuẩn các mục tiêu phát triển bền vững thì vấn đề người cao tuổi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những thành tựu lớn về y tế và mức sống đã giúp tuổi thọ cao hơn so với trước đây. Song đồng thời lại đem đến nhiều thách thức mới phát sinh.

Theo Quyền trưởng đại diện UNFPA Ritsu Nacken, dân số cao tuổi đang ngày càng phát sinh đòi hỏi chúng ta phải xây dựng kế hoạch tốt hơn về chăm sóc sức khỏe và an sinh cho người cao tuổi và những vấn đề quan trọng khác. Đồng thời cần cân nhắc xem liệu các thế hệ khác nhau có thể hỗ trợ lẫn nhau như thế nào trong tình hình xã hội đang thay đổi một cách bền vững.

Già hóa dân số không phải là một thảm họa mà là một cơ hội để chúng ta suy nghĩ về một xã hội mong muốn, để cả người cao tuổi và người trẻ tuổi đều được hưởng cuộc sống hạnh phúc và có cơ hội để phát triển.

Với 15 bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn, lấy cảm hứng từ 15 câu chuyện sinh động của người cao tuổi từ các vùng, miền khác nhau của Việt Nam, triển lãm nhằm hướng xã hội tới cách nhìn nhận tích cực hơn về người cao tuổi, biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội, cũng như tăng cường sự hiểu biết về các động thái của một xã hội đang già hóa.

Trong mỗi bộ ảnh, người cao tuổi chia sẻ những kinh nghiệm họ đã trải qua trong cuộc sống, họ đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua và những mong đợi mà họ muốn nhận được từ gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Bộ ảnh còn có sự xuất hiện và tiếng nói của thế hệ trẻ là các cháu của các nhân vật trong bộ ảnh. Các em bày tỏ những mong muốn và hy vọng về tương lai khi mà các em bằng tuổi ông, bà của mình như bây giờ. Việc sắp đặt hình ảnh hai thế hệ cao tuổi và trẻ tuổi và trong bộ ảnh sẽ giúp người xem hóa bỏ những suy nghĩ rập khuôn không tích cực về người cao tuổi, vì chính những suy nghĩ này đã cản trở người cao tuổi tiếp tục có những cống hiến hữu ích cho xã hội.

 

Để sẵn sàng cho sự thay đổi lớn về dân số, giải quyết những thách thức cũng như tận dụng các cơ hội của già hóa dân số, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Lê Cảnh Nhạc, trước hết xã hội phải nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về già hóa dân số, bảo đảm đưa vấn đề già hóa dân số và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích và tạo điều  kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động xây dựng đất nước phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm. Phải coi người cao tuổi là một nguồn lực kinh tế quan trọng cho sự phát triển, để từ đó biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội.

 

Lê Hoa