Đổi mới sáng tạo mở, hợp tác cùng phát triển

- Thứ Ba, 14/12/2021, 12:23 - Chia sẻ
Sáng 14.12, nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, cùng đóng góp vào sự phát triển của khoa học công nghệ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tổ chức hội nghị “Đổi mới sáng tạo mở với chủ đề: Hợp tác cùng phát triển”.
Hội nghị “Đổi mới sáng tạo mở với chủ đề: Hợp tác cùng phát triển” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phối hợp tổ chức

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong những năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện và sâu rộng tới mọi mặt kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của hệ sinh thái, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà trực tiếp là các doanh nghiệp. Vì vậy đòi hỏi hơn bao giờ hết sự quyết tâm, đồng lòng tập trung nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đại dịch còn hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực từ quốc tế, hạn chế sự tương tác, gặp gỡ, trao đổi kinh doanh, đây cũng là một áp lực cho sự đổi mới sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo giữa đại dịch.

“Chúng ta rất mong muốn trong thời gian tới từ phía các tập đoàn, các tổng công ty, các cơ quan nhà nước phải là người đặt hàng cho đội ngũ những người làm khởi nghiệp. Và đội ngũ khởi nghiệp sẽ rất nhiều ý tưởng mới, sáng tạo và những ý tưởng đó sẽ giúp giải quyết bài toán của khu vực doanh nghiệp, tập đoàn. Thế nhưng, để những ý tưởng của những người khởi nghiệp thành công rất cần có sự đồng hành của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học hỗ trợ cho những người làm khởi nghiệp, cung cấp những thông tin cần thiết về khoa học và công nghệ giúp họ hoàn thành kết quả nghiên cứu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Phạm Hồng Quất cho rằng, đổi mới sáng tạo mở là một nhu cầu cần thiết chứ không phải chỉ là một sự khuyến khích hay là lựa chọn. Theo ông Phạm Hồng Quất, đổi mới sáng tạo mở là phải mở tư duy về cách thúc đẩy những sản phẩm sáng tạo có ích cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội lớn nhất để các viện, trường và các startup coi các tập đoàn, các doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính của mình vì nó gắn liền với thị trường, gắn liền với cuộc sống.

Các tập đoàn, các doanh nghiệp mở hệ sinh thái của mình ra không chỉ dựa vào nguồn lực bên trong từ các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn của mình, mà còn sử dụng trí tuệ bên ngoài chính là các bạn trẻ các startup, các viện, trường là một nguồn lực để phát triển những sản phẩm mới. Và trong mối quan hệ đó thì viện, trường, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tập đoàn trở thành khách hàng, nhà đầu tư của nhau và trở thành những người sử dụng những sản phẩm của nhau và sử dụng trí tuệ của nhau.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và những công cụ từ đổi mới sáng tạo mở để giúp các tổ chức, các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua những biến động và tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển và bứt phá. Đồng thời, nhiều chuyên gia cho rằng việc liên kết, hợp tác ứng dụng khoa học và công nghệ không chỉ là phương thức, công cụ phát triển mới, mà trên hết là một cách tiếp cận mới, tư duy mới, triết lý mới cho sự phát triển.

Xuân Tùng