Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử

- Thứ Ba, 28/09/2021, 07:01 - Chia sẻ
Đổi mới luôn là một yêu cầu, đòi hỏi đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Đổi mới sáng tạo đang được các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương đặt ra. Đặc biệt, đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp luôn là đòi hỏi của xã hội, của cử tri, nhất là vào một nhiệm kỳ mới.

Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương

Bài 1

Nâng cao "trách nhiệm chính trị " của đại biểu dân cử

Đại biểu dân cử vừa phải chịu "trách nhiệm pháp lý", vừa phải thực hiện "trách nhiệm chính trị" nhưng ở mức cao hơn rất nhiều so với một công dân thông thường. Đại biểu luôn luôn ý thức rằng: Cử tri đã tín nhiệm bầu mình để đại diện cho họ thì mình phải gắn bó, lắng nghe, tiếp thu và mang tiếng nói, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của họ đến với Quốc hội, với HĐND; đồng thời, có trách nhiệm cùng các cơ quan nhà nước chuyển tải những nguyện vọng, kiến nghị hợp lý, hợp pháp đó vào những chính sách, pháp luật.

Đại biểu cần gắn bó và liên hệ chặt chẽ với cử tri - ảnh H. Lộc
Đại biểu cần gắn bó và liên hệ chặt chẽ với cử tri
Ảnh H. Lộc

"Trách nhiệm pháp lý" và "trách nhiệm chính trị"

Mỗi công dân đối với xã hội, với đất nước; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức đối với nhiệm vụ được giao và đối với Nhân dân, mỗi người đều có những trách nhiệm nhất định. Ở đây có thể phân chia thành hai nhóm trách nhiệm là "trách nhiệm pháp lý" và "trách nhiệm chính trị".

"Trách nhiệm pháp lý" là muốn nói đến việc mỗi cá nhân phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế... của cơ quan, tổ chức. Trách nhiệm pháp lý mang tính bắt buộc mọi người phải thực hiện, nếu không thực hiện đúng sẽ bị nhắc nhở, cảnh báo, nếu vi phạm có thể bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hành chính, xử lý hình sự. Mỗi cá nhân (công dân nói chung, hay công dân là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức) đều chịu trách nhiệm pháp lý như nhau, ngang nhau.

"Trách nhiệm chính trị", đó là ý thức của mỗi cá nhân (công dân) đối với xã hội, đối với đất nước; là đạo đức, tư cách, tác phong, ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, đảng viên - điều mà Bác Hồ đã nói, cán bộ là công bộc của Nhân dân chính là ở trách nhiệm này. Trách nhiệm chính trị không mang tính bắt buộc, phụ thuộc vào ý thức của mỗi người, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, mang lại hiệu quả công việc, hiệu suất công tác, năng suất lao động của mỗi cá nhân, tổ chức, tạo ra và bồi đắp sự tin yêu, gắn kết giữa Nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức thì “trách nhiệm chính trị” đòi hỏi cao hơn một công dân bình thường rất nhiều. Một tổ chức vững mạnh, một xã hội tốt đẹp đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân cần thực hiện tốt cả hai "loại" trách nhiệm này.

Bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân

Đại biểu dân cử đa phần là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Vì vậy, đồng thời với việc thực hiện các quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức (trong Luật Công chức, Luật Viên chức), người đại biểu dân cử còn phải thực hiện quy định về trách nhiệm của đại biểu dân cử (quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội (hiện hành); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành)). Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên (chiếm đa số), còn phải thực hiện trách nhiệm của người đảng viên.

Điểm qua các quy định pháp luật trên, "trách nhiệm chính trị" của đại biểu dân cử có thể hiểu một cách ngắn gọn, như sau: Trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; gương mẫu chấp hành và vận động Nhân dân chấp hành đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật Nhà nước; cần kiệm, liêm chính; lấy Nhân dân là đối tượng phục vụ, chịu sự giám sát, gắn bó mật thiết, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, chuyển ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, khiếu nại, tố cáo của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc giám sát việc giải quyết đó.

Có thể nói, nếu so với một công dân bình thường thì người đại biểu dân cử vừa phải chịu "trách nhiệm pháp lý" vừa phải thực hiện "trách nhiệm chính trị" nhưng ở mức cao hơn rất nhiều. Mỗi đại biểu dân cử gánh trên vai mình những trách nhiệm hết sức nặng nề trước Nhân dân, trước cử tri, trong suốt quá trình hoạt động. Đại biểu luôn luôn ý thức rằng: Cử tri đã tín nhiệm bầu mình để đại diện cho họ thì mình phải gắn bó, lắng nghe, tiếp thu và mang tiếng nói, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của họ đến với Quốc hội, với HĐND; đồng thời, có trách nhiệm cùng các cơ quan nhà nước chuyển tải những nguyện vọng, kiến nghị hợp lý, hợp pháp đó vào những chính sách, pháp luật.

Để thực hiện tốt hai chức năng quan trọng của cơ quan dân cử - chức năng quyết định và giám sát, mỗi đại biểu cần dành nhiều thời gian, trí tuệ cho hoạt động dân cử, có trách nhiệm cao, gắn bó và liên hệ chặt chẽ với cử tri thì mới có thể quyết định chính xác và giám sát hiệu quả. Xét cho cùng, mọi quyết định của Quốc hội và HĐND các cấp là những vấn đề lớn, quan trọng đều nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ Nhân dân; mọi hoạt động giám sát đều nhằm mục đích để việc thực hiện chính sách, pháp luật nghiêm minh cũng là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.