Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện

- Thứ Bảy, 13/03/2021, 06:58 - Chia sẻ
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, dự kiến trong quý I này, dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (Đề án) sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, dự thảo Đề án cũng hướng tới mục tiêu rút ngắn thời gian xếp hàng, chờ đợi của người dân, với lộ trình cụ thể năm 2022 tối đa 30 phút/trường hợp và giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch và thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ vào năm 2025. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025...

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện đã có Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, triển khai trong phạm vi toàn quốc, áp dụng với tất cả bộ, ngành, địa phương; việc thêm 1 Đề án thí điểm thực hiện, có thực sự cần thiết hay không? Bởi đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính; trong đó, 59/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.

Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng, dù đã triển khai hệ thống một cửa, liên thông một cửa nhưng vẫn còn trường hợp người dân phải nộp hồ sơ giấy, tỷ lệ điện tử hóa thấp. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ hồ sơ giấy vẫn chiếm khoảng 93,7%; hồ sơ điện tử chỉ đạt hơn 6%. Chưa kể, thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính còn cắt khúc nhiều cửa và khâu trung gian, chưa rõ ràng trong các quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý một số lĩnh vực. Hơn nữa, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông mới chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối; quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan vẫn theo phương thức thủ công thông qua gửi nhận hồ sơ giấy mà chưa tính đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống giúp giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, thí điểm theo hướng đổi mới toàn diện việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Song, điểm mấu chốt trong đổi mới là gì, cũng là băn khoăn được đặt ra. Không ít chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất chính là vấn đề về hạ tầng và công nghệ, vì thế, cần đổi mới theo hướng xây dựng Hệ thống thông tin một cửa điện tử hiện đại; cho phép thuê doanh nghiệp công ích nhà nước thực hiện dịch vụ đối với một số công việc trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Quả thực, việc chưa có quy định nào, điều khoản mở nào nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo để các cơ quan huy động nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình đổi mới, giải quyết thủ tục hành chính cũng là một hạn chế. Bởi, một số nơi, lĩnh vực cho thấy có sự quá tải trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, trong khi đó, một số khâu, công đoạn như hướng dẫn, tiếp nhận, viết giấy hẹn, số hóa hồ sơ tài liệu, luân chuyển dữ liệu và giám sát quá trình giải quyết, nhận và trả kết quả, có thể nghiên cứu giao cho doanh nghiệp đảm nhận thông qua hợp đồng. Nếu thực hiện được, sẽ góp phần tối ưu hóa năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa.

Có điều, hạ tầng công nghệ rất quan trọng nhưng mới là điều kiện “cần”; việc đào tạo bồi dưỡng và nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, chính là điều kiện “đủ”. Thực tế, qua nhiều phiên chất vấn Quốc hội, vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm là những tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn diễn ra ở một số địa phương; có cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” chưa thạo việc, hạn chế về năng lực; giải thích, tiếp nhận hồ sơ của người dân không thỏa đáng, không đầy đủ dẫn đến việc người dân phải đi lại nhiều lần. Hay có những công chức phòng chuyên môn khi thẩm định giải quyết hồ sơ còn máy móc, thiếu linh hoạt...

Điều đó đòi hỏi, cần tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện, lựa chọn, bố trí cán bộ công chức, kiểm tra chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ cho công dân qua bộ phận "một cửa". Có như vậy, mới bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong giải quyết thủ tục hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Đỗ Quyên