Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện

- Chủ Nhật, 03/10/2021, 06:20 - Chia sẻ
Trên cơ sở nhận thức và nhận diện những thay đổi của hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số, việc chuyển đổi số thư viện ở Việt Nam thời gian qua có thể xem như là hệ quả tất yếu. Có thuận lợi và cả hạn chế, thư viện cần đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt và toàn diện hơn, nếu như không muốn tụt hậu với thời cuộc và xã hội.
Cán bộ thư viện ứng dụng phần mềm trong xử lý nghiệp vụ
Ảnh: Quốc Vinh

Phương thức phục vụ linh hoạt

Thư viện truyền thống không chỉ là kho tàng tri thức, mà là nơi phục vụ đông đảo nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân. Tại đây, hoạt động phục vụ người đọc/người dùng thông tin mặc định theo nguyên lý “thuận chiều”. Đó là, thư viện thì đứng yên; còn bạn đọc phải di chuyển đến thư viện để mượn, đọc tài liệu...

Tuy nhiên, câu chuyện trên thay đổi theo chiều hướng ngược lại, khi có sự can thiệp mạnh mẽ của máy vi tính và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Các thư viện đã chuyển sang xây dựng thư viện điện tử - thư viện số - thư viện ảo, nhằm phục vụ tốt hơn người đọc (với nhiều CSDL thư mục, CSDL toàn văn, bộ sưu tập số...; hàng chục vạn, hàng triệu trang in). Lúc này, bên cạnh hoạt động thư viện truyền thống, đã xuất hiện phương thức phục vụ linh hoạt hơn: Bạn đọc không cần đến thư viện, đã có thể đọc/xem tài liệu với vài thao tác nhấp chuột máy vi tính, để thỏa mãn nhu cầu thông tin - tri thức của mình.

Quy trình phục vụ/tự phục vụ bạn đọc trong công tác thư viện là một quy trình hoàn toàn ngược lại với hoạt động của thư viện truyền thống. Tức là, người đọc đứng yên, còn thông tin và tri thức di chuyển. Đây là sự thay đổi cơ bản, quan trọng và khác biệt trong hoạt động thư viện hiện đại, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Yếu tố này góp phần thay đổi căn bản và toàn diện hoạt động của thư viện hiện đại ở nước ta, khi ứng dụng CNTT có mặt trong các khâu tác nghiệp thư viện (từ bổ sung sách báo/tài liệu, xử lý kỹ thuật, tổ chức kho tư liệu và bộ máy tra cứu; đến tổ chức hệ thống phục vụ bạn đọc và tổng hợp, kiểm kê, thống kê... các số liệu và dữ liệu của hoạt động thư viện).

Rõ ràng, chuyển đổi số thư viện là một quá trình và là quy luật tất yếu, khách quan, khi khoa học và công nghệ có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ vào các ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống xã hội. Có thể thấy, những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số thư viện ở Việt Nam bao gồm: Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin như máy móc, trang thiết bị, máy tính, phần mềm thư viện...; kho sách báo, tài liệu in (có trong thư viện); nguồn nhân lực (kỹ sư máy tính, cán bộ thư viện, chuyên gia, nhà quản lý thư viện…); kinh phí, tiền bạc; thời gian tiến hành.

Chuyển đổi số trong thư viện là quá trình lâu dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa thư viện và phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Quá trình này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành thư viện Việt Nam hiện tại và tương lai. Đó cũng là sự vận động của lịch sử, của ngành thư viện Việt Nam trong xu thế đổi mới và phát triển theo quỹ đạo chung của xã hội, của tiến trình lịch sử và văn minh nhân loại.

Chuẩn bị tư duy quản lý, nguồn lực

Tại Việt Nam, được sự quan tâm của Chính phủ về hiện đại hóa thư viện, việc ứng dụng CNTT trong thư viện đã được tiến hành trong khoảng 2 đến 3 thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, hoạt động này cũng không đồng bộ, vì thế kết quả ứng dụng CNTT trong hệ thống thư viện ở Việt Nam khá đa dạng. Nếu coi việc chuyển dạng số là bước đi ban đầu của chuyển đổi số thư viện thời gian qua, thì hệ thống thư viện đã đạt được kết quả có ý nghĩa về cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó có trang thiết bị, máy chủ phục vụ vận hành phần mềm quản lý thư viện, máy tính, đường truyền internet…

Ngay từ năm 2000, các thư viện nhìn chung đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, kinh phí, phần mềm chuyên dụng, nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo thư viện cũng nhận thức được xu thế tất yếu trong quá trình chuyển từ thư viện truyền thống sang hiện đại, vì vậy đã có sự chuẩn bị về tư duy quản lý, điều hành; đồng thời xây dựng lộ trình này sao cho phù hợp; bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Tuy nhiên, mặc dù hệ thống văn bản pháp quy về thư viện khá đầy đủ, song văn bản về ứng dụng CNTT, nhất là nội dung liên quan đến xây dựng thư viện điện tử - thư viện số ở Việt Nam còn rất thiếu, nên khó vận dụng vào thực tiễn ở cả Trung ương và địa phương. Sự đầu tư ở mỗi thư viện lại khác nhau, có thư viện triển khai đồng bộ, kinh phí, nhân lực dồi dào, thời gian, tiến độ nhanh chóng, thuận tiện, song có nơi do không chủ động được kinh phí, nên lộ trình ứng dụng CNTT bị gián đoạn; kinh phí cấp nhỏ giọt, nguồn nhân lực về thông tin - thư viện rất thiếu và yếu...

Xây dựng thư viện điện tử - thư viện số/chuyển đổi số trong thư viện là việc làm mới mẻ, vì vậy kinh nghiệm cho vấn đề này còn quá ít. Nhiều thư viện vừa làm, vừa mày mò, nghiên cứu vừa rút kinh nghiệm... Một số cơ quan tài chính ở các cấp chính quyền, do chưa hiểu đặc thù nghề thư viện, nên đã không dành sự ủng hộ về tài chính cho thư viện, nhất là việc đầu tư sách báo, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phần mềm quản trị thư viện... Một số cán bộ thư viện ngại học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về máy vi tính, khi chuyển đổi sang các phương thức phục vụ mới/hiện đại...; tư duy quản lý của một số các bộ lãnh đạo thư viện thực sự chưa theo kịp xu thế thời đại; chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Đa số các thư viện chỉ sử dụng dịch vụ thông tin để phục vụ độc giả của mình; việc kết nối, liên thông, chia sẻ tài nguyên giữa các thư viện vì vậy còn hạn chế.

Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam