Cuộc bầu cử “thời Covid”
- Ngày 23.5 vừa qua, cùng với cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông có cảm nhận như thế nào?
- Như mọi công dân của đất nước Việt Nam, tôi đã đi thực hiện quyền công dân trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quan sát tại khu vực bỏ phiếu nơi tôi sinh sống - phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có thể thấy không khí của cuộc bầu cử lần này không náo nhiệt như những năm trước, bởi lý do rất dễ hiểu là chúng ta đang trong “thời Covid”. Toàn xã hội phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, trong đó có quy định tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn với người khác ở nơi công cộng… Mặc dù vậy, cuộc bầu cử đã được tổ chức hết sức nghiêm túc, chu đáo, bảo đảm các quy định về an toàn, tạo sự yên tâm cho cử tri đi bầu cử.
Theo dõi không khí bầu cử trên khắp cả nước được các cơ quan thông tấn báo chí truyền tải trong ngày 23.5 vừa qua, có thể thấy tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của năm nay. Diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường nhưng cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp. Qua đó có thể thấy rằng người dân đã rất “chung sức, đồng lòng” với Nhà nước để hoàn thành nhiệm vụ chính trị hệ trọng.
- Nhìn lại 4 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, từ Khóa XI đến Khóa XIV, ông ấn tượng điều gì nhất về Quốc hội?
- Rất nhiều người hỏi tôi rằng nghị trường có dân chủ không, nhất là khi tôi từng là một đại biểu Quốc hội không phải đảng viên, không phải đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tôi đều thành thật và thẳng thắn trả lời rằng, trên nghị trường không ai gây sức ép với tôi cả. Mọi người đều tôn trọng tôi. Tôi được quyền phát biểu theo ý muốn. Tất nhiên, mỗi đại biểu phải tự ý thức trách nhiệm để lựa chọn phát biểu sao cho đúng. Phát biểu “đúng” ở đây không chỉ là hợp lòng dân mà còn tác động vào đối tượng được đóng góp ý kiến, tạo chuyển biến trong đời sống. Nói “lấy được” thì rất dễ nhưng đã làm đại biểu Quốc hội thì phải biết đặt lợi ích chung lên trên hết.
- Bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV khi chính mình đã từng là đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ, kỳ vọng của ông đối với Quốc hội Khóa XV là gì?
- Nhìn lại những nhiệm kỳ Quốc hội mà tôi vinh dự tham gia, có thể thấy Quốc hội đã có rất nhiều thay đổi tích cực. Bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề mà nếu chúng ta làm tốt hơn thì vai trò của Quốc hội sẽ được nâng cao hơn, lòng tin của người dân vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước cũng sẽ cao hơn nữa. Tôi hy vọng rằng, Quốc hội Khóa XV sẽ tiếp tục phát huy tinh thần không ngừng đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Tôi cũng tin tưởng rằng, Quốc hội sẽ tiếp tục có những thay đổi tích cực trong thời gian tới. Sự tin tưởng này hoàn toàn có cơ sở vì Quốc hội đã có nhiều kinh nghiệm từ những bài học thành công và cả những bài học chưa thành công trong quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đánh dấu sự đổi mới về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, phục vụ tốt hơn cho hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tôi đánh giá cao việc Quốc hội ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động và cũng mong muốn Quốc hội sẽ tiếp tục có những cải tiến, ứng dụng công nghệ nhằm giúp người dân có thể giám sát tốt hơn hoạt động của đại biểu. Người dân không chỉ giám sát hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ hoạt động của Quốc hội mà còn cần giám sát việc đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến như thế nào trong quá trình ra quyết định, để biết chính kiến của đại biểu mà mình bầu ra có đại diện cho chính kiến, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân hay không. Đó cũng là căn cứ để cử tri đánh giá đại biểu Quốc hội có xứng đáng với sự tín nhiệm và ủy thác của cử tri hay không.
Thời gian qua chúng ta đã làm tốt công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội. Người dân có thể theo dõi các phiên họp của Quốc hội, những vấn đề được đại biểu thảo luận trên nghị trường thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí; nhưng đến khi đại biểu bấm nút biểu quyết một vấn đề gì đó, cử tri chỉ có thể biết được tỷ lệ đại biểu tán thành, không tán thành mà không biết chính kiến của từng đại biểu như thế nào. Nhiệm kỳ đầu tiên khi tôi tham gia, đại biểu biểu quyết một vấn đề quan trọng bằng cách giơ tay hoặc biển báo in mã số của đại biểu. Trông có vẻ thô sơ nhưng rất rõ ràng, nhìn vào cũng có thể biết chính kiến của đại biểu Quốc hội đồng ý hay không đồng ý. Bây giờ chuyển sang ấn nút biểu quyết điện tử thì biết ngay kết quả biểu quyết chung của cả Quốc hội nhưng cái khó là cử tri thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng lại không biết được chính kiến, thái độ của từng đại biểu đối với vấn đề biểu quyết như thế nào. Mặt khác, đại biểu Quốc hội còn làm rất nhiều việc mà truyền thông không thể phản ánh hết, cử tri không thể thấy được hết. Vì vậy, cần có cách nào đó giúp cử tri giám sát tốt hơn các đại biểu Quốc hội do mình bầu ra.
Chuyên nghiệp và gần dân hơn nữa
- Thực tiễn cuộc sống không ngừng thay đổi, đòi hỏi của cử tri cũng ngày càng cao hơn. Vì vậy yêu cầu đặt ra với Quốc hội cũng ngày cao hơn. Đó vừa là sức ép, vừa là động lực để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn, thưa ông?
- Đúng vậy, yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi Quốc hội ngày càng cần phải tăng tính chuyên nghiệp, từng đại biểu Quốc hội phải chuyên nghiệp. Ngoài năng lực cá nhân của mỗi đại biểu thì còn cần có một quá trình đào luyện, từ chuyện ăn nói, tiếp xúc cử tri, xử lý đơn, thư đến quyết định các vấn đề lớn. Để làm được điều này, trước hết đại biểu Quốc hội cần phải gần dân, hiểu dân, thực sự lắng nghe tiếng nói của người dân. Đại biểu Quốc hội cần không ngừng học hỏi. Không phải lĩnh vực nào đại biểu cũng am hiểu, vì vậy cần phải lắng nghe các ý kiến, quan điểm của các đại biểu khác, nhất là các chuyên gia; tranh thủ sự hiểu biết của những cá nhân, tổ chức chuyên sâu trong những lĩnh vực mình không biết rõ. Để cuối cùng, khi đại biểu nêu chính kiến, tuy là ý kiến của cá nhân nhưng phản ánh được lợi ích chung và sự hiểu biết của đại biểu.
- Với những người được cử tri tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông muốn gửi gắm điều gì?
- Tôi mong rằng, những người được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ gần dân hơn, làm tốt vai trò đại diện của Nhân dân hơn. Bên cạnh việc thể hiện vai trò đại diện trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao hay quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thì đại biểu Quốc hội cũng cần có mặt ở những nơi “nóng” nhất, nơi người dân có nhiều bức xúc để nghe người dân lên tiếng và tiếp thu, phản ánh đến nghị trường.
Quan sát những nơi xảy ra sự việc “nóng” nhất, tôi thấy sự hiện diện của lực lượng an ninh vẫn là chủ yếu trong khi thiếu vắng sự hiện diện của đại biểu Quốc hội - những người được cử tri bầu làm người đại diện cho Nhân dân. Mặc dù sự hiện diện của lực lượng an ninh là rất quan trọng, giúp bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự xã hội nhưng bên cạnh đó, sự hiện diện của đại biểu Quốc hội cũng rất cần thiết, để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng xem tại sao người dân bức xúc? Bức xúc ấy chính đáng không?
Điều rất quan trọng là bên cạnh việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân thì đại biểu Quốc hội cũng có trách nhiệm làm cho người dân hiểu hơn về những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như lợi ích chung của xã hội, đất nước. Thực tế, bức xúc của người dân có rất nhiều nguyên cớ, cộng với việc người dân có thể chưa nắm rõ các quyền chính đáng của mình mà pháp luật quy định nên đôi khi người dân có những hành động vượt quá giới hạn cho phép. Trong những trường hợp ấy, hơn ai hết đại biểu Quốc hội cần có mặt và giải thích cho người dân với tư cách là người đại diện cho họ, góp phần giải toả bức xúc của người dân.
- Xin cảm ơn ông!