Đọc sách: Tàn ngày để lại

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:39 - Chia sẻ
Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là chuyến đi của ông quản gia cho dinh thự một quý tộc người Anh, sau này chuyển sang cho một người Mỹ. Trong chuyến đi, ông ta ghé thăm người đàn bà cũng từng là quản gia trong dinh ấy. Trên suốt chặng đường, ông hồi tưởng thời kỳ trước và sau Chiến tranh thế giới II, khi hai người cùng quản lý bộ phận phục vụ trong dinh. Hai con người độc thân ấy làm quản gia cho một nhà quý tộc cho nên cách xử lý công việc, ngay cả cách nói năng cũng nguyên tắc và tinh tế. Người đàn ông dường như khô khan. Người đàn bà dường như đang sẵn sàng chờ người đàn ông ngỏ lời. Nhưng đấy là ấn tượng tác giả gieo vào đầu người đọc, chứ không khẳng định được điều gì. Sau này, cô gái đã lấy chồng và chuyển đi, trong một lần, cô viết thư kể gia cảnh của mình, dường như không hạnh phúc lắm. Người đàn ông nhận được thư, lái xe đi một chặng dài về miền tây, họ gặp lại, và hóa ra người đàn bà vẫn hài lòng với cuộc sống gia đình mình.

Tàn ngày để lại là tác phẩm quan trọng của Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh gốc Nhật đoạt giải Nobel năm 2017. Khi đạo diễn James Ivory chuyển thể tiểu thuyết thành phim thì có thay đổi chút ít: Người đàn ông lên đường để gặp lại người đàn bà dường như là vì trong thư cô ta ngỏ ý muốn quay trở lại làm việc cho dinh cũ, nay đã có chủ mới. Phim cũng khắc họa khá ấn tượng hai người quản gia cần mẫn, tinh tế, có trách nhiệm. Ví dụ, được biết cha mình vừa mất trong khi đang phục vụ một bữa tiệc toàn những nhân vật quan trọng của đất nước, ông quản gia vẫn nén lại cảm xúc để mẫn cán hoàn thành công việc. Bộ phim được đề cử tám giải Oscar năm 1993, trong đó có giải cho đạo diễn và hai diễn viên chính: Anthony Hopkins và Emma Thompson.

Người dịch đã hoàn thành công việc khá nặng nề của mình. Tuy vậy, xin bàn thêm về một số điểm.

Ở trang 41 có câu: “Chào đón người ta ở đây là một băng ghế, cùng, thực vậy, một khung cảnh hàng dặm đồng quê tuyệt đẹp chung quanh”. Cách bê nguyên xi cấu trúc câu từ văn bản gốc như thế này không hẳn là một lựa chọn hợp lý.

Người dịch dùng chữ “chàng trai trẻ/ cô gái trẻ”. Cách dùng này cũng giống như kiểu đã bị các nhà ngôn ngữ Anh - Mỹ nhắc nhở khi có người dùng “young boy/ young girl”. Boy và girl dứt khoát phải là young rồi, cũng vậy là chàng trai và cô gái thì dứt khoát phải là trẻ.

Tôi từng viết về gốc gác của từ “kinh khủng khiếp”: người đầu tiên dùng cụm từ ấy là nghệ sĩ Kim Thư của Đoàn kịch nói trung ương trong vở Nila cô bé đánh trống trận từ những năm 1960 - 1970. Chị đã ghép hai từ “kinh khủng” và “khủng khiếp” để tạo ra một cụm từ làm cả nhà hát cười ngả nghiêng, vì không ai nói và viết như thế bao giờ. Trong văn cảnh khá nghiêm chỉnh mà An Lý sử dụng từ này, “kinh khủng khiếp” gây hiệu ứng không khác gì khi người ta nói “xúc động đậy”, “ghê tởm lợm”, “xấu xa xôi”. 

Một số từ người dịch đã viết thừa: người gia nhân (nhân đã có nghĩa là người), người bác sĩ (thừa chữ người), đề cập đến (không cần chữ đến), theo tôi được biết (theo tôi, hoặc tôi được biết), nhưng trong nội bộ nghề chưa hề có mấy cố gắng (trang 49, “nội” đã có nghĩa là “trong”), thêm khá nhiều những tranh cãi (thừa chữ những), hồi tưởng lại (thừa chữ lại).

Bộ phim được đề cử 8 giải Oscar 1993

Đặc biệt có thể băn khoăn với việc người dịch sử dụng phương ngữ Nam Bộ và cả Bắc Bộ với mật độ khá dày:

Như vầy (như này, như thế này), bả (bà ấy), chạy xe, làm thinh, gắng làm, chút đỉnh, ý cô là sao, để tránh lầm với tôi, chưng hửng, lầu một, cây nĩa (cái dĩa trong bộ dao dĩa), đầy nhóc, tôi thì rành hơn, rúng động, xách động, cắc cớ… và cả phương ngữ đồng bằng Bắc Bộ: rút rát, con cầu (chiếc cầu, cái cầu).

Phương ngữ chỉ hay và hợp lý khi được dùng một cách có dụng ý, khi ấy nó có thể thành tư tưởng của người sử dụng. Người dùng ngôn ngữ cần phải biết nguồn gốc của từ và sử dụng nó đúng lúc đúng chỗ, đừng có theo kiểu “tiện thì dùng, thích thì dùng”, kẻo làm cho người đọc tức cười và dị ứng. 

Hồ Anh Thái

------

* Tàn ngày để lại, tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro, An Lý dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2021.