Đọc sách: Steven Spielberg - Làm phim để cảm hóa

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:18 - Chia sẻ

Chuyện kể về cuộc đời của ông vua phim bom tấn Steven Spielberg. Thuở bé đi học, bị bạn bè chọc ghẹo bắt nạt vì mình là người Do Thái, ông đã hóa giải được mâu thuẫn bằng cách lôi kéo những đứa bắt nạt vào trò chơi quay phim của mình. Tuổi thanh niên học hành dở dang, lúc nào cũng mơ ước trở thành đạo diễn, ông lẻn vào lập văn phòng làm việc ngay trong hãng phim Universal vài năm trời mà không ai phát hiện ra. Rốt cuộc, sau nhiều gian khó, sự say mê đã được đền đáp, ông được làm phim. Ông đã làm ra những bộ phim bom tấn như Hàm cá mập, Người ngoài hành tinh, Công viên khủng long kỷ Jura, Thảm sát ở thế vận hội Munich, Nhà ga sân bay... Không chỉ làm phim thương mại, những bộ phim nghệ thuật ông làm cũng mang về nhiều giải Oscar: Bản danh sách của Schindler, Giải cứu binh nhì Ryan

Cuốn sách thuộc bộ truyện tranh về danh nhân thế giới, do các tác giả và họa sĩ Hàn Quốc thực hiện. Truyện tranh màu, những nét vẽ điêu luyện được làm tối giản. Xem những truyện tranh như thế này, càng thấy các tác giả và họa sĩ Việt Nam đang nợ người đọc rất nhiều. Không nên chần chừ và tiếp tục sống trong ảo tưởng thành đạt của mình mà hãy nhanh chóng bắt tay vào những công trình nghệ thuật như thế này. Chưa vươn ra được đề tài thế giới như câu chuyện về đạo diễn Spielberg thì trước mắt, họ hẵng làm những tác phẩm bề thế về các danh nhân người Việt.

Người dịch sách còn thiếu nhiều kiến thức về điện ảnh và xã hội, thiếu hụt cả tiếng Việt. Xin dẫn một số chỗ mà biên tập viên đã bỏ sót:

- Trang 55: Tranh vẽ chú bé cười ngoác miệng rất to, nhưng tiếng cười lại dịch là hi hi hi, là tiếng cười tương đối nhỏ (cười to hơn phải là hê hê, hô hô, ha ha…)

- Trang 59: Đang trong mục Thời đại phim câm, trong khoảng thời gian 1885 - 1920 mà người dịch viết: “những năm cuối thập niên 1920” - những năm cuối thập niên 1920 tức là khoảng từ 1926 - 1929, quãng thời gian đó không thuộc mục 1885 - 1920.

- Trang 59: mục Thời đại phim có tiếng (1920 - 1930) có câu “thập niên 20 của thế kỷ 19” - người dịch đã bị loạn khái niệm niên đại. Chính xác phải là “thập niên 20 của thế kỷ XX”.

- Trang 125: khát khao được đứng trước máy quay. Trang 127: chỗ của mình là đứng trước máy quay - nhân vật đang mơ ước trở thành đạo diễn, mà đạo diễn bao giờ cũng đứng sau máy quay. Đứng trước máy quay chỉ có diễn viên thôi.

- Trang 130: bộ phim truyền hình mang tựa đề - “tựa đề” là một chữ sai đã bị quen dùng. Đúng ra phải là “mang cái tên/ nhan đề/ tiêu đề”…

- Trang 131: người ta phân loại phim điện ảnh kể về những câu chuyện cuộc sống của nhiều người thành phim truyền hình - không có phim điện ảnh nào bị phân loại thành phim truyền hình. Người dịch/biên tập viên đã tự ý thêm chữ “điện ảnh” vào câu trên, làm sai hoàn toàn kiến thức về điện ảnh.

- Trang 140: thời gian sản xuất phim kéo dài quá lâu - tiếng Việt phải viết: kéo rất dài hoặc kéo rất lâu. Dịch từng từ kiểu này cũng giống như chỉ cần viết “tôi uống quá say”, nhưng có người đã viết trong bản dịch của mình: “Tôi đã uống say quá nhiều”.

- Trang 152: đi tìm báo vật cổ đại - lỗi phát âm, kiểu phương ngữ. Biên tập viên cần sửa thành “báu vật”.

- Trang 153: như rũ bỏ hoàn toàn sự tự tin, anh hoàn thành bộ phim - phải là “rũ bỏ hoàn toàn sự thiếu tự tin”.

- Trang 154: thủ đô Venice, nước Ý - sai về kiến thức địa lý.

- Trang 156: Cúp chiến thắng của liên hoan phim Cannes được làm dựa trên hình dạng tán lá cây cọ nổi tiếng ở vùng Cannes - người ta gọi là giải Cành Cọ Vàng, vì chỉ có hình một cành cọ thôi, không phải là cả tán lá.

- Trang 158: về nhà để hồi tưởng lại những ký ức tuổi thơ. Trang 162: tôi sẽ tái hiện lại kỷ băng hà - cả hai câu trên đều thừa chữ “lại”.

- Trang 174: dành giải phim hay nhất - giải thưởng phải tranh đoạt, giành giật, cho nên chính tả của nó phải là “giành giải”, khác với “dành dụm, dành cho, để dành”.

Hồ Anh Thái

------

* Who? Steven Spielberg - Chuyện kể về danh nhân thế giới, truyện tranh Hàn Quốc, Nguyễn Thị Thắm dịch, NXB Kim Đồng 2020.