Đọc sách: Bí mật cuộc đời các danh họa và điêu khắc gia nổi tiếng

- Thứ Sáu, 16/07/2021, 06:38 - Chia sẻ

Thuộc loại sách bí mật cuộc đời các danh nhân (Nhã Nam đã xuất bản một số cuốn về bí mật cuộc đời các tổng thống Mỹ, các đại văn hào, các triết gia), cuốn này vẫn liền mạch “buôn chuyện” với những quyển sách kia, cả chuyện đời tư và chuyện sự nghiệp của giới mỹ thuật. Mỗi người một vẻ, quan niệm độc đáo về nghề, lạ lùng về tính cách và xử sự, bình lặng hoặc lộn xộn về tình duyên. Có những cuộc đời bi thương và đầy ắp sự kiện như Van Gogh, Edvard Munch, nữ họa sĩ Frida Kahlo. Có những cá tính đặc biệt “quái” như Leonardo da Vinci, Jacques-Louis David, Pablo Picasso, Diego Rivera, Salvado Dali, Andy Warhol…

Còn sót một số lỗi từ ngữ:

- “Cặp đôi” (trang 18).

Thừa chữ. Cặp là hai, mà đôi cũng là hai, cho nên một “cặp đôi” phải hiểu là bốn. Chỉ nên dùng “một cặp vợ chồng”, “một đôi nam nữ”. Nếu muốn dùng từ kép thì có thể viết là “bộ đôi”.

- “Nên thay vào đó Leonardo quyết định vẽ trên thạch cao khô, thay vì thạch cao ướt” (trang 37).

Đã “thay vào đó” lại còn “thay vì”, làm cho câu thừa thãi, lủng củng.

- “Dù có lẽ nó cũng có hiệu quả cũng ngang với trường hợp Durer” (trang 58).

Hai chữ “cũng” bộc lộ người dịch đang “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”. Ít ra thì biên tập viên cũng nên quyết giúp cho.

- “Quân đội Mỹ phát hiện ra bộ sưu tập ở mỏ này, bảo vệ những kiệt tác và phân trả lại cho các bảo tàng cá nhân mà chúng đã bị đánh cắp khỏi” (trang 105).

Cái câu Tây An Nam này cần được Việt hóa thêm một tí.

- “Tương đương khoảng 28 triệu đô la ngày nay” (trang 106).

Hoặc là “tương đương”, hoặc là “khoảng”, không nên ghép đôi theo kiểu khẩu ngữ thế này.

- “Một trong những tác phẩm của Rousseau chất đống trong một cửa hàng đồ cũ” (trang 229).

“Một” là số ít, cho nên nó không thể “chất đống” được.

- “Ở đó họ được mô tả hoặc là ngây thơ yếu đuối hay hoặc như những con ma cà rồng hút hết sự sống” (trang 277).

Đã “hay” còn “hoặc” - một sự ngập ngừng lựa chọn nữa của người dịch.

- “Con trai Pierre của Matisse phải lòng một trong những nữ sinh của bà cô là giáo viên của ông” (trang 298).

Tối nghĩa. “Bà” hay là “cô”, hay là “bà cô”?

- “Ông tiếp nhận trường phái Lập thể từ năm 1911, nhưng vào cuối thập kỷ 90, những cuộc tranh cãi với những người cùng trường phái đã khiến ông cảm thấy chua chát về phong trào này” (trang 332).

Chính xác là “thập kỷ 90” nào đây? Người dịch chắc muốn để cho người đọc tự đoán.

- “Trở thành họa sĩ nổi tiếng thế giới vào đầu những thế kỷ 20” (trang 369).

Chắc chắn chỉ có một thế kỷ hai mươi mà thôi.

- “Một bức điện tín được gửi tới” (trang 375).

Viết “một bức điện” chính xác hơn. “Điện tín” là danh từ chỉ chung một loại hình công việc. Viết “một bức điện tín” cũng không chính xác như khi ai đó viết “một binh lính”, “một đứa trẻ em”…

- “Một bản chế bản nhạc hip-hop” (trang 389).

“Bản chế” hay “chế bản”?

- “Cạo sạch lông dưới cánh tay ông” (trang 405).

“Dưới cánh tay” trong tiếng Anh được hiểu là “nách” đấy.

- “Đã thu xếp để đặt một chiếc giường bốn cột lớn đặt ở giữa phòng triển lãm” (trang 424).

Người dịch lại ngập ngừng không quyết được nên chọn vị trí nào cho chữ “đặt”. Biên tập viên thì dứt khoát không chịu giúp.

Hồ Anh Thái

------

* "Bí mật cuộc đời các danh họa và điêu khắc gia nổi tiếng", Elizabeth Lunday, Đỗ Tường Linh dịch, Nhã Nam và NXB Thế giới.