Trí thức trẻ hiến kế xoá đói giảm nghèo từ mô hình trồng huyền sâm

- Chủ Nhật, 04/12/2022, 15:38 - Chia sẻ

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao cống hiến, trí thức trẻ Cứ Thị Say mang ước mơ “xóa đói giảm nghèo” cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng ý tưởng trồng thử nghiệm cây huyền sâm.

Khao khát được cống hiến

Thực hiện theo Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 29.01.2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Tăng cường tri thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020” và Thông tư số 92/2010 TT-BQP ngày 05.7.2010 của Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức quản lý, điều hành dự án trên. Ngày 6.4.2022, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 365, Quân khu 2 đã tuyển dụng 25 trí thức trẻ tình nguyện đến nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế ở vùng biên giới tại Khu Kinh tế - Quốc phòng Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đợt 1 giai đoạn 2021-2030.

Trí thức trẻ hiến kế từ mô hình trồng huyền sâm -0
25 trí thức trẻ tình nguyện đến nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế ở vùng biên giới tại Khu Kinh tế - Quốc phòng Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nguồn: INT

Nhờ sự quan tâm về mọi mặt của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, chỉ sau vài tháng tham gia công tác, các trí thức trẻ tình nguyện bằng lòng nhiệt huyết và khát khao được công hiến đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân địa phương. Trong đó, nổi bật có tri thức trẻ Cứ Thị Say.

Cứ Thị Say (xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) là một người đam mê trồng trọt, luôn ấp ủ ước mơ “xóa đói giảm nghèo” cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đã đăng ký để trở thành 1 trong 25 trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển kinh tế ở vùng biên giới thuộc diện dự án 174 của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2. Trong quá trình làm việc, trí thức trẻ Cứ Thị Say đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng mô hình trồng thử nghiệm cây huyền sâm nhận được nhiều sự quan tâm của ban quản lý đề án 174 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356.

Theo nghiên cứu y dược hiện đại, huyền sâm có tác dụng làm mát cơ thể, kháng khuẩn mạnh với nhiều bệnh ngoài da, nước thuốc sắc từ huyền sâm có tác dụng tăng huyết áp, tốt cho hệ tim mạch, tinh chất chiết xuất từ huyền sâm có tác dụng làm tăng lưu lượng máu của mạch vành. Chính vì giá trị từ các bài thuốc mà huyền sâm là dược liệu quý và được xem là cây trồng có nhiều triển vọng khi đầu ra sản phẩm dễ dàng và giá thành cao.

Đón đầu mô hình phát triển kinh tế

Bộc bạch về lý do lựa chọn cây huyền sâm để trồng thử nghiệm, chị Cứ Thị Say cho biết, nhận thấy cây huyền sâm là cây có giá trị kinh tế cao và được các hợp tác xã, nông dân lựa chọn trồng ở các vùng cao có khí hậu mát mẻ. Bên cạnh đó, cây huyền sâm là loại cây thân thảo rất dễ trồng, cây đã mọc mầm sẽ sống lâu năm, cây cao tối đa chừng 1,5 – 2m. Đặc biệt, hiện xu hướng cây huyền sâm đang được trồng ở khu vực vùng cao có khí hậu mát mẻ rất giống địa bàn mình sinh sống như hiện nay như Sapa, Lào Cai, Hà Giang. “Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng thử nghiệm trồng huyền sâm và nhận được sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân Khu 2 đầu tư thực hiện mô hình. Tôi hy vọng sau khi trồng thử nghiệm cây huyền sâm sẽ đem cây dược liệu có giá trị kinh tế cao này giúp bà con bản địa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện đời sống”, chị Say chia sẻ.

Trí thức trẻ hiến kế từ mô hình trồng huyền sâm -0
Các trí thức trẻ tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 tham gia ươm giống cây. Nguồn: TTXVN

Trưởng phòng Hậu cần - Kĩ thuật, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, Trung tá Lê Mạnh Hùng cho biết, ý tưởng trồng huyền sâm của trí thức trẻ tình nguyện Cứ Thị Say đã được hiến kế với ban quản lý đề án 174, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2. Mặc dù, nhìn thấy được những tiềm năng mà cây huyền sâm mang lại, song qua tìm hiểu cây huyền sâm ưa khí hậu mát mẻ nhưng ở Lai Châu chưa có ai trồng thử nên ban quản lý cũng rất e dè. Tuy nhiên, trong những năm gần đây sâm là một trong những loại dược liệu được quan tâm, nghiên cứu, phát triển trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đồng thời trước sự quyết tâm của chị Cứ Thị Say và sau khi đánh giá về tính khả thi của cây huyền sâm ban quản lý đề án 174 đã báo cáo đảng ủy, chỉ huy đoàn và đã mua giống 50 triệu đồng, đầu tư vật tư, phân bón để tiến hành trồng.

“Mô hình trồng huyền sâm của đồng chí Say hiện nay đang mang tính chất thí điểm và được sự quan tâm sát sao của Đảng ủy, Chỉ huy. Tuy rằng, khi thất bại sẽ tốn kém nhiều, song bước đầu thấy hiệu quả cây sinh trưởng tốt. Hiện, đã có ý tưởng nhân cây con để chuẩn bị cấp cho bà con, gieo 1000 gốc sẵn sàng cung cấp. Về tiêu thụ, chúng tôi định hướng liên kết công ty dược dưới Hà Nội”, Trung tá Lê Mạnh Hùng chia sẻ.

Đến nay, vườn huyền sâm của trí thức trẻ Cứ Thị Say đã nảy mầm và phát triển được trên 3.700 cây, cây sinh trưởng xanh tốt và cao trung bình khoảng 14 cm. Có thể thấy, cây huyền sâm là một loại thuốc quý, có giá trị kinh tế cao, nếu thành công sẽ hứa hẹn mang đến nguồn lợi kinh tế rất lớn cho cá nhân phát triển mô hình và cho nhân dân địa phương sau khi được chuyển giao. Đây được xem là một trong những điểm nhấn, đón đầu về mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn tại 7 xã biên giới, đặc biệt sự kỳ vọng mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao này sẽ được nhân rộng cho bà con nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Nguyễn Ngân
#