AGRIBANK ĐỒNG HÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÙNG “TAM NÔNG”

Định vị thương hiệu trong lòng Dân

- Thứ Tư, 22/03/2023, 08:56 - Chia sẻ

Nếu hỏi bất kỳ một nông dân nào trên dải đất hình chữ S về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời đầy tự hào và trìu mến: “Đó là người bạn lớn của chúng tôi!” - Và đây chính là thành quả lớn lao nhất trong 35 năm xây dựng, phát triển mà các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động Agribank đã dày công vun đắp, tạo nên thương hiệu, giá trị bền vững trong lòng Dân…

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ra đời và nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra những kết quả nổi bật; trong đó, đáng chú ý nhất là đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Agribank - người bạn đồng hành của nhà nông. Ảnh: Internet
Agribank - người bạn đồng hành của nhà nông. Ảnh: ITN

Gần 15 năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, Agribank luôn khẳng định là vị trí đầu tàu, nghiêm túc trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu chính sách đề ra. Đến nay dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

Sự góp sức của Agribank góp phần quan trọng thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng phát triển; tạo thế và lực mới cho vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, Agribank luôn duy trì dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao; hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả để tăng trưởng huy động vốn phù hợp gắn với cân đối vốn, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Sự đầu tư đúng hướng của Agribank đã giúp ngành nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu. Giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ đô la Mỹ; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Công phá toàn diện khu vực tam nông

Nhìn lại sự phát triển khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn rất dễ để nhận thấy sức ảnh hưởng của Agribank trên mọi lĩnh vực: từ xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; từ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… đến ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đâu đâu cũng có sự hiện diện của Agribank.

Tính riêng từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết số 30a), Agribank đã cho vay trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 220.000 lượt khách hàng tại các huyện nghèo; xây dựng quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhất là những nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai. Chuyển tải vốn đến những vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp cho hàng chục vạn hộ thoát nghèo; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo.

Để tiếp sức cho những con “Tàu 67” sớm vươn khơi theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Agribank chủ động nguồn vốn, kịp thời chỉ đạo các chi nhánh có các huyện ven biển phối hợp với chính quyền địa phương, tiếp xúc với ngư dân có đủ điều kiện vay vốn, giúp ngư dân làm thủ tục bảo đảm đồng vốn đến sớm và hiệu quả cho bà con. Đến nay, Agribank là Ngân hàng duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo. Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho “Tam nông”, Agribank dẫn đầu ngành ngân hàng về cho vay phát triển thủy sản tại 28 tỉnh ven biển với trên 50% tổng tàu đầu tư (622/1.100 tàu), dư nợ đến cuối năm 2021 là hơn 3.077 tỷ đồng/412 khách hàng và đến tháng 9.2022 là 1.135 tỷ đồng/227 khách hàng.

Đặc biệt, nguồn vốn của Agribank đã tiếp sức cho giấc mơ vươn ra thế giới của nông sản Việt. Từ năm 2019 đến nay, Agribank đã xây dựng chiến lược phát triển khách hàng, ban hành các cơ chế ưu đãi về lãi suất, phí, nguồn vốn để cho vay đầu tư các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; có chính sách cho vay theo từng sản phẩm riêng biệt, theo từng lĩnh vực, ngành hàng phù hợp với quá trình sản xuất, chế biến từng loại cây trồng, vật nuôi; từng bước chuyển dần sang đầu tư theo mô hình khép kín, trọn gói từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu. Sự tâm huyết, trách nhiệm với nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Agribank đã góp phần tạo nên những thương hiệu làm nức lòng người tiêu dùng thế giới: cà phê Tây Nguyên; gạo Sóc Trăng; dứa Đồng Giao; nhãn Ido; xoài Cát Chu; hồ tiêu Phú Quốc; chôm chôm Java; chè Shan Tuyết, Ô Long, Tân Cương...

T.Bình