Doanh nghiệp và “bình ô xy”

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:18 - Chia sẻ
Thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, chính sách hỗ trợ được ban hành thời gian qua được ví như “bình ô xy” kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều băn khoăn hiện nay, để tiếp cận với những “bình ô xy” này, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn.
	Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Nguồn INT
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.
Nguồn INT

Trải qua 4 lần bùng phát dịch Covid-19, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ảnh hưởng rất nặng nề. Không ít doanh nghiệp đã phải chịu chi phí tăng cao khi phải gánh một khoản phát sinh về xét nghiệm 3 ngày/lần; tổ chức ăn, ở cho người lao động khi thực hiện "3 tại chỗ"; điều kiện đi lại, vận chuyển không thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc phải tạm ngừng kinh doanh dẫn tới số lao động mất việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội - theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%.

Có thể nói dưới tác động của Covid-19, “sức khỏe” của doanh nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng, bởi cùng lúc doanh nghiệp phải thực hiện song hành hai nhiệm vụ: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh. Khó chồng khó. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước với những thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận.

Thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch, thời gian qua nhiều chính sách đã được ban hành kịp thời: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Điều chỉnh giảm thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Lũy kế từ ngày 23.1.2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là gần 26.000 tỷ đồng… Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính có hạn, thì những chính sách hỗ trợ này thực sự rất có ý nghĩa rất lớn để doanh nghiệp duy trì hoạt động trong đại dịch.

Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn lực tài chính, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, mới có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với các nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc đi vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Đơn cử, gói vay 16.000 tỷ đồng dù được coi là gói hỗ trợ mà điều kiện vay "dễ thở" hơn nhưng đến ngày 31.7.2020 kết thúc giải ngân vẫn chưa có đơn vị nào tiếp cận được nguồn vốn này.

Điều đó cho thấy, chính sách thì rất hay, nhưng khi triển khai vẫn còn rất vướng bởi các điều kiện, thủ tục mà các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận. Việc bảo toàn an toàn tín dụng là rất cần thiết, tuy nhiên, cũng cần có những chính sách cởi mở hơn, linh động hơn, tối giản và giảm các thủ tục trong xét duyệt các đối tượng thụ hưởng. Có như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá và cần thiết vào lúc này.

Cùng với việc tạo điều kiện thông thoáng về điều kiện, thủ tục để mở van “bình ô xy”, trong điều kiện hiện nay, khi mà cuộc chiến với Covid vẫn chưa thể kết thúc, để tiếp sức cho doanh nghiệp, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo "cú hích" giúp cho các doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.

Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 khoảng 44 - 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4%, mức này là an toàn cho với trần nợ công 60% GDP. Nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn bảo đảm kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô. Theo đó, các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề.

Trong bối cảnh ngân sách vẫn phải “thắt lưng buộc bụng”, những chính sách hỗ trợ này thực sự là một chia sẻ rất lớn của Nhà nước, là "bình ô xy" đối với cộng đồng doanh nghiệp. Điều quan trọng lúc này, chính sách hỗ trợ cần đơn giản về thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận. 

Hà An