Doanh nghiệp khoa học công nghệ: Cần đòn bẩy để tạo bước đột phá

- Thứ Bảy, 28/11/2009, 00:00 - Chia sẻ
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố mới đây cho biết: chỉ số chi tiêu của Chính phủ cho các sản phẩm công nghệ hiện đại của Việt Nam đạt 4,5 điểm, xếp hạng 11, trên cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Anh. Không những thế, Việt Nam cũng xếp hạng cao với các vị trí 48, 51 và 62 trong các đánh giá về trụ cột đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ, trình độ công nghệ của doanh nghiệp và mật độ máy tính cá nhân trên 100 dân.

Từ tạo cơ chế...

Có được kết quả trên, nhiều chuyên gia cho rằng, một phần là nhờ tháng 5.1999, Chính phủ đã chủ động ban hành Nghị định 199, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ. Theo nghị định này, kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu của doanh nghiệp là 30% kinh phí của dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ.

 Cùng với đó, Bộ KH-CN đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ các tổ chức chuyển đổi theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP và thành lập doanh nghiệp theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) được hưởng nhiều ưu đãi: miễn thuế thu nhập 4 năm, giảm 50% trong 9 năm và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Ngoài ra, doanh nghiệp KHCN còn được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, sử dụng đất trong việc thuê và sử dụng đất; ưu đãi về nguồn vốn từ các quỹ phát triển KHCN, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cũng như được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng các dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thành lập...

Cần tạo bước đột phá...

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong, nếu muốn phấn đấu đến năm 2020 GDP gấp 3,2 lần so với năm 2010 thì KHCN cần có sự đột phá và chỉ bằng doanh nghiệp, sức mạnh của KHCN mới được phát huy. Bộ trưởng đã đưa ra dẫn chứng: năm 2002-2005, Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc chi tới 3,2 tỷ USD để đổi mới công nghệ. Còn ở Trung Quốc hiện có 300.000 doanh nghiệp KHCN, đóng góp 15% GDP. Trong khi ở Việt Nam, trong 5 năm: từ 2001 đến 2005, đầu tư cho hoạt động KHCN chỉ gần 1 tỷ USD.

“Nhằm tạo ra bước đột phá cho, Bộ sẽ lập Quỹ Đổi mới KHCN Quốc gia. Thời gian tới, Bộ cũng sẽ trình Chính phủ đến năm 2015 có 5.000 đến 10.000 doanh nghiệp KHCN” - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong khẳng định.

Bộ KH-CN cũng sẽ xây dựng chương trình đầu tư phát triển ứng dụng KHCN ở các địa phương, đồng thời hỗ trợ đầu tư cho 50 trung tâm chuyển giao KHCN ở các tỉnh mỗi trung tâm từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng để tạo điều kiện phát triển KHCN địa phương trong lĩnh vực này.

... và xoá bỏ các rào cản

Hiện nay, để thành lập doanh nghiệp KHCN mới, thì việc đăng ký vẫn theo Luật Doanh nghiệp, còn việc đăng ký công nhận doanh nghiệp KHCN tiến hành tại Sở KH-CN. Với các tổ chức KHCN chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN thì cần xây dựng đề án thành lập doanh nghiệp KHCN trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt rồi mới đăng ký thành lập và công nhận doanh nghiệp KHCN. Để được công nhận và hưởng chính sách ưu đãi, doanh nghiệp phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả nghiên cứu KHCN thuộc các lĩnh vực công nghệ, trong đó có những lĩnh vực được ưu tiên như: sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, bảo vệ môi trường, năng lượng mới, công nghệ vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KH-CN quy định. Doanh nghiệp có thể chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ. Đây chính là điểm khác biệt giữa DNKHCN và các loại hình doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, với quy định doanh thu từ sản phẩm KHCN năm đầu chiếm 30%, đến năm thứ 3 phải chiếm 70%, nhiều doanh nghiệp KHCN ở địa phương cho rằng sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp KHCN các tỉnh. Cùng với đó, các văn bản chưa đề cập rõ việc thành lập doanh nghiệp KHCN từ các tổ chức KHCN của địa phương thì được cấp nào phê duyệt, tài sản quản lý như thế nào? Còn với cán bộ công chức - người làm chủ công nghệ - khi muốn đứng tên thành lập doanh nghiệp KHCN thì không được phép, khi vay vốn thì không được dùng tài sản của nhà nước thế chấp. Nhất là đất đai, trụ sở… trước đây các đơn vi sự nghiệp không phải thuê, nay tách ra làm doanh nghiệp, vốn còn thiếu để xây dựng nay lại phải “gánh” thêm tiền thuê đất. Đấy là chưa tính đến nhiều đơn vị sự nghiệp có tài sản, trang thiết bị… trước đây được Nhà nước đầu tư nay lại phải giao cho một số bộ phận tách ra làm doanh nghiệp. 

 Việc hình thành doanh nghiệp KHCN sẽ thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất và đời sống. Có doanh nghiệp KHCN mạnh, đi tiên phong trong sáng tạo công nghệ, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao... sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, bên cạnh tạo cơ chế và tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp KHCN thì những vướng mắc trên cũng cần phải xoá bỏ để doanh nghiệp KHCN sớm đạt được nhiều hiệu quả cao hơn.

Trần Hiếu