Doanh nghiệp du thuyền kêu cứu

- Thứ Năm, 01/07/2021, 19:15 - Chia sẻ
Liên tiếp các đợt dịch Covid-19 khiến gần chục doanh nghiệp du thuyền ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) gặp khó khăn chồng chất. Họ đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng xin giảm giá vé thăm quan, phí, lệ phí... hòng cứu vãn ngành kinh tế xanh đang có nhiều nguy cơ biến mất.

Doanh thu về 0 đồng

Các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền tại vịnh Lan Hạ cho biết, trong điều kiện hoạt động kinh doanh bình thường, những năm qua, lĩnh vực tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ có những đóng góp tích cực vào GDP của địa phương, tạo ra hàng nghìn việc làm, giúp quảng bá hình ảnh du lịch Cát Bà (Hải Phòng) nói riêng và hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung đến với du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp lâm vào thế khó khăn chưa từng có. Chia sẻ của đa số doanh nghiệp đều cho thấy, các đợt dịch liên tiếp diễn ra khiến cho họ đứng trước nguy cơ phá sản, những tác động tiêu cực dường như đã vượt qua sức chịu đựng. Thậm chí, có doanh nghiệp đã muốn bán bớt một số phương tiện để lấy tiền trả ngân hàng, chi trả cho người lao động, giảm bớt một số công nợ.

Các đợt dịch liên tiếp khiến cho doanh nghiệp du thuyền đứng trước nguy cơ phá sản 
Nguồn: Lux Group

Năm 2020, các doanh nghiệp đã buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh, doanh thu về 0 đồng trong suốt các tháng 3, 4, 5; các tháng 8, 9, 10, 11, 12 doanh thu giảm nghiêm trọng.

Sang năm nay, các tháng 2, 3, 5, 6 và có thể là trong tương lai vẫn tiếp tục ngừng hoạt động kinh doanh và không có nguồn thu. Người lao động buộc phải nghỉ việc không lương trong các tháng ngừng hoạt động, giảm ngày công lao động và giảm thu nhập trong các tháng hoạt động cầm chừng, khiến cho cuộc sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong hoàn cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ từ chính sách cơ cấu giãn nợ của Nhà nước. Song, theo phản ánh, khoản lãi vay đó các doanh nghiệp đang tích lũy lại để trả trong tương lai. Cộng với những chi phí cố định rất lớn buộc phải chi trả như: chi phí khấu hao, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hiểm tài sản, nhiên liệu, vận hành hệ thống máy, nhân sự vận hành, neo đậu cảng bến, nhà chờ, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, đào tạo lao động mới (do lao động nghỉ việc) trong các tháng hoạt động, các khoản phí gia hạn các giấy phép hàng năm… Mỗi doanh nghiệp đang phải chi trả hàng tỷ đồng mỗi tháng, cho dù hoạt động kinh doanh bị “đóng băng”.

Ngành kinh tế xanh chờ được cứu sống

Gần như đã suy kiệt nội lực, các doanh nghiệp khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét nhiều điều khoản. Trong đó, miễn phí vé tham quan vịnh Lan Hạ đến hết ngày 31.12. Từ nay đến hết năm 2022, giảm 50% giá vé thăm quan đối với tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ; miễn phí dịch vụ neo đậu tại cảng bến; miễn, giảm các phí, lệ phí vào, rời cảng bến đến hết năm 2022. Hỗ trợ kinh phí đào tạo lại lao động phù hợp với chính sách chung của Chính phủ...

Các du thuyền kinh doanh trên vịnh Lan Hạ và Hạ Long hiện phải về neo đậu tại Quảng Ninh

Ông Phạm Hà, chủ du thuyền Heritage Cruises cho hay, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này trên vịnh Lan Hạ mong cơ quan chức năng TP Hải Phòng xem xét, đồng thuận kiến nghị của các doanh nghiệp. “Bởi đến thời điểm này, 5% doanh nghiệp còn lại đã sức cùng, lực kiệt, sắp không thể cầm cự nổi. Nguy cơ nếu toàn bộ doanh nghiệp du lịch phá sản, chúng tôi e rằng ngành kinh tế xanh Việt Nam cũng không còn”, ông Hà nói.

Còn Giám đốc du thuyền Scarlet Pearl Trần Hải Trung, một trong những doanh nghiệp đã ký vào đơn kiến nghị, thì cho rằng, sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong thời điểm này là vô cùng quý giá, mang tính quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp, cũng như sinh kế của hàng ngàn người lao động.

Các doanh nghiệp kí vào đơn kiến nghị đều đã hoạt động kinh doanh du lịch, tàu lưu trú nghỉ đêm lâu năm. Họ từng có sản phẩm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầu tư kinh doanh sang vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) với mong muốn mang đến những sản phẩm tốt hơn cho du khách và mức chi phí rẻ hơn nhờ giá vé tham quan, để bù lại những chi phí phát sinh.

Tuy nhiên, trong khi tỉnh Quảng Ninh đã giảm 100% giá vé tham quan vịnh cho đến hết năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp tạo sản phẩm kích cầu, hay một số tỉnh, thành trên cả nước cũng đã có những hỗ trợ như miễn, giảm giá vé các điểm tham quan thì thành phố Hải Phòng chưa có động thái gì khiến cho lợi thế về giá vé tàu tham quan trên vịnh Lan Hạ đã không còn, doanh nghiệp đã khó càng khó thêm.

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ, hiện hạ tầng cảng tàu du lịch tại TP Hải Phòng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tàu du lịch Hải Phòng chưa thể sử dụng các cảng tàu du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh) để phục vụ việc đón trả khách. Điều này làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp do phải sử dụng một hải trình xa hơn.

Trong bối cảnh một quyết định cũng có thể làm xoay chuyển tình thế, cứu sống vô số doanh nghiệp trên địa bàn cũng như sinh kế của hàng nghìn lao động, các doanh nghiệp ký đơn kiến nghị rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong thời điểm nguy cấp này.

Theo Chi hội phó Chi hội Tàu du lịch Hạ Long Trần Văn Hồng, cần tối thiểu từ 2,5 đến 3 năm mới đủ thời gian thu hồi vốn, trả gốc và lãi theo đúng hợp đồng vay tín dụng của các ngân hàng, bởi những hỗ trợ cho khó khăn của các doanh nghiệp tàu với thời gian từ 3 - 12 tháng như hiện nay là không thể giải quyết được.

 

Hương Sen