Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế làm việc Bộ Thông tin và Truyền thông

- Thứ Tư, 01/12/2021, 21:01 - Chia sẻ
Ngày 1.12, Đoàn công tác số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý biên chế giai đoạn 2016 -2021 và đề xuất biên chế giai đoạn 2022 - 2026.
	Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc
 Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc làm việc

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện Nghị quyết số 39/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18/2017, Nghị quyết số 19/2017 của Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Theo đó, Bộ đã xây dựng Đề án vị trí việc làm và được Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan tổ chức hành chính; phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ cũng đã hoàn thiện 2 Thông tư về hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành thông tin và truyền thông và định mức biên chế trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành; thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu kiến nghị với Đoàn khảo sát
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc

Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021, Bộ đã cắt giảm tổng cộng 193 biên chế công chức (17,77%); cắt giảm 245 biên chế viên chức. Tính đến ngày 30.6.2021, Bộ có tổng cộng 893 công chức và 453 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách. Tương tự về tổ chức đơn vị hành chính, sau khi kiện toàn đã giảm một cơ quan hành chính thuộc Bộ; giảm 21 phòng thuộc Vụ, Văn phòng, Thanh tra, Cục; giảm 4 phòng thuộc đại diện Văn phòng Bộ tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; giảm 8 phòng thuộc đơn vị tương đương Chi cục; giảm 4 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục; giảm hơn 40 cấp phó từ cấp phòng trở lên tại các tổ chức hành chính.

Các đại biểu dự cuộc làm việc khẳng định, chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cần có tiêu chí phù hợp với đặc thù về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, nhất là đặc thù một số cơ quan mới thành lập, tránh việc cắt giảm cơ học làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thực tế, thời gian vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phát triển Chính phủ điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, an toàn thông tin không gian mạng… với khối lượng công việc ngày càng nhiều và phức tạp. Trong khi, biên chế không tăng mà phải giảm theo lộ trình, dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người có trình độ chuyên môn về công nghệ viễn thông tin, điện tử viễn thông.  

	Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc
 Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc làm việc

Bộ đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo rà soát việc giao biên chế và cắt giảm biên chế cần gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, tích chất đặc thù, mức độ phức tạp, nhạy cảm, quy mô, khối lượng công việc của tổ chức, tránh việc “cào bằng”, cắt giảm cơ học đối với tất cả các tổ chức như hiện nay. Đồng thời, đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 296 biên chế công chức của Cục Tần số vô tuyến điện và chuyển đổi 116 biên chế viên chức của Cục Bưu điện Trung ương về Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận những kết quả Bộ Thông tin và Truyền thông đạt được trong thực hiện các chỉ tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 39 cũng như Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương.

Đại diện Bộ Nội vụ giải đáp một số vướng mắc tại buổi làm việc
Đại diện Bộ Nội vụ giải đáp một số vướng mắc tại cuộc làm việc

Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ, mục tiêu của đoàn khảo sát nhằm đánh giá đầy đủ, khách quan tình hình quản lý biên chế giai đoạn 2016 - 2021 của 35 bộ, ngành, địa phương gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đoàn công tác số 5 được giao nhiệm vụ khảo khảo sát 10 đơn vị, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông. “Sau khi đọc báo cáo và nghe các đại biểu trao đổi cho thấy Bộ đã rất kịp thời xây dựng các văn bản, đề án, kế hoạch… - điều đó thể hiện rõ tinh thần quyết liệt đổi mới trong công tác chỉ đạo của lãnh đạo Bộ”, Trưởng ban Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh. Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung các ý kiến, kiến nghị tại cuộc làm việc để Đoàn công tác có cơ sở tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Ban Chỉ đạo, từ đó xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị một cách sát thực với tình hình thực tế, bảo đảm khung biên chế giai đoạn 2022-2026 phù hợp, tinh gọn bộ máy nhưng phải chất lượng, hiệu quả.

Nhật Anh