Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh lấy ý kiến đóng góp vào 2 dự án luật

- Thứ Bảy, 12/09/2020, 04:20 - Chia sẻ

Ngày 11.9, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào 2 dự án luật trình Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và một số sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh nhất trí cao về sự cần thiết của 2 Dự án Luật nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường và xuất khẩu lao động. Cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục của các Dự thảo Luật, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi.

Đối với Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ý kiến tập trung vào những quy định về: Đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; vai trò quản lý nhà nước về môi trường... Đại biểu nhất trí cao về việc dự thảo lược bỏ nhiều loại thủ tục hành chính, giấy phép về môi trường; tích hợp các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các luật khác. Đề xuất Ban soạn thảo cần rà soát, thống nhất thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường, tránh chồng chéo để giảm phiền hà cho người dân và dễ xử lý khi có nảy sinh vấn đề cần giải quyết về môi trường; rà soát để tránh chồng chéo, bất cập giữa Luật Bảo vệ môi trường với Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư công; tăng cường lực lượng làm công tác pháp chế về lĩnh vực bảo vệ môi trường; ngoài Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Giám đốc Công an tỉnh (như dự thảo) nên bổ sung Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền ký quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về môi trường để bảo đảm phục vụ kịp thời công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.  

Đối với Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), ý kiến tập trung vào các quy định về: Nội dung hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chuẩn bị nguồn lao động; hợp đồng môi giới và thù lao theo hợp đồng môi giới; báo cáo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thời hạn cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng... Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên quy định về hỗ trợ công tác xã hội cho người lao động sau khi từ nước ngoài về vì người lao động cần hỗ trợ cả về tâm lý, về tìm cơ hội việc làm, chính sách, pháp luật (dự thảo mới chỉ quy định về dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội tự nguyện cho người lao động Việt Nam sau khi ở nước ngoài về nước); quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm, phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bổ sung quy định người lao động trước khi ký kết hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp thì phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; bổ sung quy định về xử lý đối với người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài mà bỏ trốn.  

Hoàng Nga