Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội lấy ý kiến góp ý vào 2 dự thảo luật

- Thứ Ba, 15/09/2020, 23:41 - Chia sẻ
Sáng 15.9, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Sửa đổi một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đa số các ý kiến đều đồng tình với biện pháp cắt điện, cắt nước là phương án xử lý cưỡng chế ngay từ đầu. Bởi, đó là biện pháp ngăn chặn phát sinh lớn, nhất là đối với ngành xây dựng để tránh trường hợp công trình vi phạm kéo dài sẽ rất khó cưỡng chế.

Đối với việc xử lý các tang vật vi phạm, có ý kiến cho rằng quy định trong luật chưa chặt chẽ, bởi việc không bắt buộc niêm phong tang vật sẽ dẫn đến các cá nhân, tổ chức có thể thay đổi tang vật của vụ việc vi phạm, ảnh hưởng rất lớn đến việc xử lý vi phạm hành chính và có thể xảy ra tình trạng khiếu nại tố cáo đối với công tác xử lý tang vật.  

Đoàn ĐBQH thành phố lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Sửa đổi một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Bên cạnh đó, đối với vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, nên quy định xử phạt ở mức tối đa để tăng sự răn đe. Có ý kiến đề nghị nên bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lực lượng công an nhân dân. Đồng thời, quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh cấp phó trong trường hợp chưa có cấp trưởng, tránh tình trạng ùn tắc trong xử lý vi phạm hành chính của chính quyền địa phương.

+ Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, các quy định hiện nay về lĩnh vực môi trường còn thiếu và chưa đủ mạnh, mức chế tài xử phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe, do đó cần tăng mức xử phạt và có những quy định đột phá. Ngoài ra, Dự thảo luật quá dài và nhiều thuật ngữ chuyên ngành rất khó hiểu, đề nghị cần đơn giản hoá, dễ hiểu hơn để dễ thực hiện khi ban hành. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Đối với nội dung về giáo dục, truyền thông về môi trường, cần đưa ra những quy phạm về quy tắc ứng xử với môi trường để làm nền tảng cho các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra bộ quy tắc ứng xử về môi trường; bổ sung trách nhiệm của cơ quan, đoàn thể cấp xã trong việc phổ biến, tuyên truyền Luật.

Liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, có ý kiến cho rằng, hiện thẩm quyền của phường chỉ được xử phạt ở mức thấp nhưng thực tế các vi phạm đều phải xử phạt ở khung cao nên các địa phương thường phải đề xuất lên cấp trên để kịp thời xử phạt. Do đó, đề nghị tăng thẩm quyền khung xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phường.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND các cấp đối với quy định về cải tạo và phục hồi lại môi trường, bởi điều này khó thực thi đối với tiềm lực của cấp xã; có các quy định, nguyên tắc để quy định người vi phạm môi trường có phải bồi thường thiệt hại hay không; quy định về giá, phí bảo vệ môi trường, đầu tư trở lại cho môi trường…

Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Bùi Huyền Mai khẳng định, các ý kiến của các đại biểu hết sức tâm huyết, trách nhiệm, cụ thể, có phân tích, đánh giá từ thực tiễn và là nguồn tư liệu quan trọng để Đoàn ĐBQH thành phố đưa ra tại kỳ họp tới. Đồng thời, tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý tại các Hội nghị để tổng hợp, báo cáo với Quốc hội.

Tin, ảnh: KHÁNH DUY - HUYỀN LOAN