Đô thị Việt Nam trước thách thức biến đổi khí hậu

- Thứ Tư, 11/01/2017, 08:03 - Chia sẻ
30 năm qua, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng và nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập như: Quản lý đô thị chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn; hạ tầng cơ sở đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thoát nước... chưa đáp ứng được nhu cầu... Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho những bất cập của các đô thị càng trở nên trầm trọng hơn, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ hơn.

Hàng trăm đô thị có nguy cơ ngập nặng

Tại hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững: Tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam” vừa được Bộ Xây dựng tổ chức ngày 10.1, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống đô thị nước ta đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Trần Thị Lan Anh chỉ rõ, quá trình phát triển của các đô thị vừa qua cũng đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Cụ thể là, sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, hệ thống đô thị của các tỉnh phát triển vượt dự báo phát triển đô thị quốc gia, vùng. Đã xuất hiện xu hướng đô thị hóa toàn tỉnh; hình thành các đô thị lớn theo mô hình thành phố vùng. Trong khi đó, trình độ và chất lượng quản lý đô thị lại chưa theo kịp thực tiễn phát triển; khả năng dự báo của quy hoạch cũng chưa đáp ứng được xu thế phát triển đô thị; quy hoạch dễ bị điều chỉnh và thiếu hợp nhất đa ngành.

Bà Trần Thị Lan Anh cũng nêu rõ, phát triển đô thị mất cân đối, hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ; giao thông công cộng chậm phát triển; mạng lưới giao thông tại các đô thị lớn chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu đi lại và vận tải, thường bị tắc nghẽn; chiếu sáng đô thị chưa được quan tâm đúng mực, ở các đô thị nhỏ tỷ lệ chiếu sáng thấp không đạt tiêu chuẩn; môi trường đô thị thiếu kiểm soát, các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất còn thiếu, yếu, còn tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm hệ thống sông, hồ; tỷ lệ rác thải rắn được xử lý và tái chế còn thấp, khí thải và tiếng ồn đô thị chưa được quan tâm...

Trong khi những bất cập này vẫn chưa có giải pháp khắc phục thỏa đáng thì khoảng gần chục năm trở lại đây, các đô thị của nước ta lại đứng trước những thách thức mới. Sự tác động của biến đổi khí hậu đã khiến cho những bất cập của đô thị càng trở nên trầm trọng hơn. Điển hình là, thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ngập lụt diễn ra thường xuyên hơn, khu vực đất thấp dưới 2m so với mực nước biển chiếm hơn 60% diện tích toàn thành phố. Báo cáo của Bộ Xây dựng về nhận diện nguy cơ rủi ro trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu 2012 cho thấy, hệ thống đô thị ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long có tới 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Đối với hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên có 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng rất mạnh. Biến đổi khí hậu cũng sẽ tác động đến việc phát triển hệ thống giao thông đô thị, đất đai, dân cư và định cư, nguồn nước sạch...

Phải có chính sách quy hoạch đô thị rõ ràng

 Tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta đã tăng từ 19,6% vào năm 1999 lên khoảng 36,6% trong năm 2016; số lượng đô thị tăng từ khoảng 500 đô thị (năm 1999) lên 802 đô thị (năm 2016). Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa phân bổ đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Cùng với các đô thị mới được hình thành và phát triển trong thời gian gần đây thì các đô thị cũ, đã được hình thành trong giai đoạn trước năm 1986 trên cả nước cũng thường xuyên được cải tạo, nâng cấp.

Tăng cường khả năng chống chịu của đô thị trước tác động của quá trình đô thị hóa và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020”. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp và hành động trọng tâm đã được nêu trong Đề án như: Lồng ghép việc thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ, bộ chỉ số đánh giá mức độ chống chịu tác động của biến đổi khí hậu; cải thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch và quản lý đô thị; tăng cường hiệu lực, cơ chế, chính sách về quản lý xây dựng và phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, năng lực và tư vấn chuyên nghiệp, quản lý phát triển đô thị hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển đô thị; xây dựng quy định về quản lý phát triển đô thị thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu do thiên tai; xây dựng các chương trình phát triển đô thị cần đầu tư khẩn cấp do bị ảnh hưởng mạnh từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia là phải có chính sách quy hoạch phát triển đô thị rõ ràng và tuân thủ chặt chẽ quy hoạch, tránh tình trạng phát triển theo kiểu tự phát, phá vỡ quy hoạch như hiện nay.

Nguyễn Quỳnh