Phục hồi, phát triển kinh tế và doanh nghiệp

Dỡ bỏ rào cản kinh doanh là quan trọng nhất

- Thứ Tư, 25/11/2020, 09:01 - Chia sẻ
Covid-19 như "đại hồng thủy" tác động lên cộng đồng doanh nghiệp. Tại "Diễn đàn Kinh tế 2020: Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế và doanh nghiệp" chiều 24.11, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, gỡ bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh là gói giải pháp quan trọng nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Nhà nước cần hành động nhanh như doanh nghiệp”

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Vân cho biết, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đang cố gắng để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 với hy vọng đặt "một chân" vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang sắp xếp lại. Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn, đất đai, công nghệ... và cải thiện thủ tục hành chính hơn nữa.

Nguồn Internet
Nguồn Internet

Liên quan tới thu hút FDI, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty ĐMT Sunseap Link Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang muốn thu hút "đại bàng" nhưng có thành công hay không là do chính sách, thể chế của chúng ta. Phân tích riêng về dòng vốn của bà con Việt kiều, ông Bắc cho biết, một Việt kiều muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng phải thực hiện nhiều thủ tục vô cùng khó khăn, nhiêu khê. "Việt Nam cần cơ chế chính sách tốt hơn nữa nhằm xây dựng một lộ trình không những tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp trong nước mà còn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư là Việt kiều", ông Bắc nói. Muốn huy động các nguồn lực phát triển đất nước, thể chế và pháp luật là quan trọng nhất, không thể "sáng nắng chiều mưa".

Covid-19 như "đại hồng thủy" tác động lên cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT Traphaco Vũ Thị Thuận chia sẻ, dù được đánh giá là ít ảnh hưởng nhưng doanh nghiệp ngành dược vẫn gặp khó khăn. Người dùng chỉ mua thuốc thiết yếu, sức bán thuốc phòng bệnh giảm đi rất nhiều. Ngành dược cũng có điều kiện kinh doanh "khó nhất" hiện nay. Đặc biệt, vụ VN Pharma vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp ngành dược bị liên lụy khi chịu sự quản lý của Nhà nước khắt khe hơn. Để vượt qua, doanh nghiệp chắc chắn phải nỗ lực và cùng với đó, bà Thuận mong muốn Nhà nước hành động nhanh như doanh nghiệp, có trách nhiệm và vì doanh nghiệp. “Covid-19 khiến doanh nghiệp quá khổ rồi, Nhà nước cố gắng tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp”, bà Thuận nói. 

Gói hỗ trợ lần 2 cần kéo dài hết năm 2021

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, doanh nghiệp  đang chịu tác động rất nặng nề từ đại dịch Covid-19, hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, dường như những chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa tới được với doanh nghiệp. Gói hỗ trợ lần thứ nhất được ban hành rất sớm nhưng đến nay số doanh nghiệp nhận được ưu đãi rất ít, chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do vướng mắc về thủ tục nhận hỗ trợ và các yêu cầu quá khắt khe khiến doanh nghiệp khó đáp ứng.

Ảnh: An Thiện
Ảnh: An Thiện

Gói hỗ trợ lần 2 đang nghiên cứu, "cần phải đẩy mạnh để sớm được ban hành", ông Thành nói. Theo ông, gói hỗ trợ lần 2 cần kéo dài đến hết năm 2021, bao phủ tất cả các lĩnh vực - nơi chịu tác động lớn nhất hoặc có tiềm năng trỗi dậy. Gói hỗ trợ này phải gắn vượt khó với tái cấu trúc doanh nghiệp theo xu hướng của hướng của thế giới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng “3 chân kiềng” của nền kinh tế vẫn giữ vững, bao gồm: Đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ. Tuy nhiên, đất nước chưa khỏi những khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm. "Phục hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh". Vì vậy, ông Lộc cho rằng, song song với triển khai gói hỗ trợ lần thứ nhất thì gói hỗ trợ lần 2 cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, họ không cần tiền, chỉ cần thể chế, cơ chế. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tài khóa, tín dụng… - vốn hữu hạn thì nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển. “Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa thay đổi nhiều, cho thấy chúng ta có nhiều dư địa. Việc dỡ bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh chính là gói giải pháp quan trọng nhất", ông Lộc nói.

An Thiện