Định hướng phát triển ngành sản xuất hoa, cây cảnh

- Thứ Ba, 10/11/2020, 21:55 - Chia sẻ
Những năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của nhiều loại cây trồng nông nghiệp, nghề trồng hoa và cây cảnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Ngành sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng

Chia sẻ tại Hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Nghiệm cho biết, những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở nước ta, đã có bước phát triển vượt bậc về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo ra được nhiều vùng chuyên canh tương đổi lớn, hình thành được một số doanh nghiệp, HTX và nhà vườn sản xuất hoa theo quy trình công nghệ cao, đang từng bước tham gia xuất khẩu sản phẩm.

Chỉ tính nhu cầu trong nước 5 năm gần đây, bình quân nhu cầu về hoa, cây cảnh tăng 15%/năm.
Ảnh: ITN

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu rau quả, hiện cả nước có gần 45.000ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân khoảng 350 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản lượng ước tính đạt 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, chỉ tính nhu cầu trong nước 5 năm gần đây, bình quân nhu cầu về hoa, cây cảnh tăng 15%/năm là tiền đề cho phát triển hoa, cây cảnh một cách bài bản và thành hàng hóa lớn.

TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: So với năm 2000, diện tích hoa, cây cảnh năm 2019 đã tăng 6,6 lần, giá trị sản lượng tăng 17,2 lần. Mức tăng giá trị thu nhập/ha là 2,2 lần, có nhiều mô hình đạt 1,3 tỷ đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng rất cao so với các ngành nông nghiệp khác. Tại Viện Nghiên cứu rau quả, kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất từ 2005-2019 đã chuyển giao cho 45 tỉnh, thành phố bao gồm hơn 1000 tổ chức cá nhân.

Mặc dù hiện nay, diện tích sản lượng và thu nhập từ hoa, cây cảnh đều tăng, nhưng thực tiễn vẫn có những hạn chế nhất định về đội ngũ khoa học công nghệ; chưa phát huy hết lợi thế của từng địa phương để phát triển chủng loại cây phù hợp; nhiều kinh nghiệm sản xuất quý báu chưa được tổng kết nhân rộng; việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn hạn chế; chính sách cho sản xuất hoa cây cảnh còn chung chung so với các cây trồng khác và chưa đủ mạnh để giúp phát triển bứt phá khai thác hết tiềm năng của ngành sản xuất tiềm năng này.

“Kết quả đạt được nói trên rất đáng khích lệ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có như khí hậu đa dạng, nguồn gen hoa, cây cảnh dồi dào, giá công lao động rẻ, nhà nông cần cù và sáng tạo. Nguyên nhân do sản xuất hoa, cây cảnh còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu kết nối chia sẻ giữa các nhà nông với nhau và nhà nông với nhà khoa học, doanh nghiệp. Mặt khác lực lượng cán bộ cho nghiên cứu hoa, cây cảnh quá mỏng, lại phải ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản – lai tạo giống mới, TS. Nguyễn Văn Tỉnh nhận định.

Nhân thêm nhiều mô hình hợp tác

Để giải quyết các hạn chế, khó khăn của ngành sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng và nông nghiệp nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 (Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13.10.2015); cùng với đó là chương trình phát triển nông thôn ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17.12.2012) và Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Quyết số 2075/QĐ-TTg ngày 8.11.2013).

Theo đó, sẽ tăng cường hơn nữa đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hoa, cây cảnh; ưu tiên cho việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn, tạo giống, nhân giống các giống hoa quý hiếm; tập trung nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật và sản xuất, thương mại các chủng loại hoa cây cảnh theo quy mô công nghiệp; đưa nghề sản xuất hoa, cây cảnh trở thành một ngành nghề mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Một mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hoa lan hồ điệp tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Ảnh: ITN

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành sản xuất hoa tăng nhanh tỷ trọng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2018 đến 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hoa lan hồ điệp và cây hoa đồng tiền quanh năm tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng” cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang.

Sau 2 năm thực hiện, đại diện Công ty cho biết, đã chuyển gian và tiếp nhận được 6 quy trình công nghệ về sản xuất điều khiển nở hoa cho cây hoa đồng tiền và hoa lan hồ điệp phù hợp với điều kiện sinh thái của huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Đã xây dựng thành công mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp quy mô công nghiệp với diện tích 6.000 mét vuông trong nhà lưới hiện đại.

Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại Quốc tế APPA GROUP Phạm Hữu Việt cho biết, quý II.2020, với sự hỗ trợ tài chính từ dự án Great (Australia), Appa Group đã hợp tác cùng Viện nghiên cứu rau qua Trung ương để triển khai hàng chục gói giải pháp nông nghiệp thông minh Appa Smart Farm (APPAVRHQ) cho các hợp tác xã trồng rau, hoa tại Mộc Châu.

Sau 4 tháng triển khai đã cho thấy hiệu quả cao được bà con nông dân ủng hộ, khả năng nhân rộng rất tốt. Người nông dân có thể quản lý trang trại của mình thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, tiết kiệm được tài nguyên thông qua việc tưới tiêu chính xác (từ 10% đến 40%); tiết kiệm chi phí phân công quản lý (từ 20 đến 40%); tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, thu nhập (từ 20 đến 50%), hạn chế rủi ro; quản lý dữ liệu chuyên nghiệp có thể lưu trữ và truy xuất dữ liệu quả trình sản xuất.

Từ những hiệu quả mang lại khi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, cây cảnh, cần tiếp tục xây dựng thêm nhiều mô hình hợp tác, liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Tăng cường hơn nữa đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hoa, cây cảnh; ưu tiên cho việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn, tạo giống, nhân giống các giống hoa quý hiếm; tập trung nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật và sản xuất, thương mại các chủng loại hoa cây cảnh theo quy mô công nghiệp; đưa nghề sản xuất hoa, cây cảnh trở thành một ngành nghề mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Xuân Tùng