Khuôn khổ quan hệ mới
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Modi tới Ai Cập với tư cách là thủ tướng và là chuyến thăm đầu tiên của bất kỳ thủ tướng Ấn Độ nào kể từ năm 26 năm qua.
Chuyến thăm được tiến hành sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tới New Delhi với tư cách khách mời chính trong lễ kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ. Ông Abdel Fattah el-Sisi là Tổng thống Ai Cập đầu tiên được vinh danh.
Việc Thủ tướng Modi thăm Ai Cập chỉ 5 tháng sau đó, tiếp theo là chuyến thăm của Tổng thống el-Sisi tới New Delhi vào tháng 9 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, đánh dấu tần suất tương tác chưa từng có kể từ những năm vàng son của mối quan hệ trong những năm 1950 khi Thủ tướng Nehru và Tổng thống Nasser kết nối thường xuyên. Các nhà phân tích nói rằng chuyến thăm với những kết quả đặc biệt của nó đã tiết lộ các đường nét về cách các mối quan hệ sẽ phát triển trong những ngày tới.
Điều này được thể hiện đầu tiên qua việc Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ký tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Ðối tác chiến lược.
Ai Cập cũng đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt chuyến thăm của Thủ tướng Modi thông qua việc Tổng thống nước chủ nhà El-Sisi trao Huân chương sông Nile, danh hiệu cao quý nhất của Ai Cập, tặng nhà lãnh đạo Ấn Ðộ. Ðáp lại những tình cảm nồng ấm của Ai Cập, trong bài đăng trên Twitter, Thủ tướng Ấn Ðộ Modi ca ngợi chuyến thăm Ai Cập của ông là "chuyến đi lịch sử", tiếp thêm sức sống mới cho quan hệ Ấn Ðộ - Ai Cập, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
12 tỷ USD thương mại hàng năm
Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ai Cập với kim ngạch thương mại vượt 7 tỷ USD (6,4 tỷ euro) vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Cairo. Trong chuyến thăm vừa qua, Thủ tướng Modi cho biết ông hy vọng sẽ tăng con số này lên 12 tỷ USD hàng năm trong vòng 5 năm tới. Để làm được điều đó, hai bên có thể sẽ hướng đến một thỏa thuận trao đổi hàng hóa để giao dịch thương mại mà không sử dụng đồng USD. Để tránh cạn kiệt nguồn dự trữ USD, Ai Cập muốn thanh toán bằng đồng rupee hoặc thông qua xuất khẩu phân bón và khí đốt - cả hai mặt hàng mà Ấn Độ nhập khẩu nhiều. Các hệ thống trao đổi đối ứng như vậy có thể sẽ nằm trong một thỏa thuận quy mô lớn, trong đó New Delhi có thể mở rộng hạn mức trao đổi trị giá hàng tỷ USD cho Cairo.
Trước chuyến thăm, Ai Cập đã cung cấp một "khu đất dành riêng" tiềm năng cho các ngành công nghiệp của Ấn Độ trong Khu kinh tế Kênh đào Suez (SCZONE) có thể được sử dụng làm địa điểm cho một nhà máy hydro xanh trị giá 12 tỷ USD do công ty ACME của Ấn Độ xây dựng. Nằm giữa hai bờ của Kênh đào Suez và bao gồm sáu cảng là cửa ngõ giúp dễ dàng tiếp cận các thị trường ở châu Âu, châu Phi và Vùng Vịnh. Khu Kinh tế này cũng được hưởng lợi từ thực tế là Ai Cập có một mạng lưới rộng lớn các hiệp định thương mại tự do với từng khu vực địa lý này. Ngay cả khi Ấn Độ đang tập trung vào chiến dịch Make in India (sản xuất tại Ấn Độ), sự hiện diện đáng kể trong SCZONE có thể là động lực thúc đẩy chương trình “Made by India for the World” (Sản xuất cho thế giới bởi Ấn Độ) hướng đến xuất khẩu.
Về phần mình, Ai Cập nhìn thấy Ấn Ðộ là một trong những đối tác tin cậy hàng đầu của Cairo. Nền kinh tế của Ai Cập đã phải trải qua những giai đoạn hỗn loạn trong vài năm qua, ban đầu là do đại dịch gây ra và sau đó là cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, đã ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực ngũ cốc của Ai Cập, với 80% nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Chiến tranh cũng ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối của Ai Cập, khiến đồng tiền của nước này đã mất giá gần một nửa. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút hàng tỷ USD khỏi thị trường kho bạc Ai Cập.
Trong bối cảnh đó, trao đổi thương mại giữa Ai Cập và Ấn Ðộ trong năm 2022 tăng 13,7% so với năm trước đó. Vào năm 2022, mặc dù hạn chế xuất khẩu lúa mì để bảo vệ nguồn dự trữ trong nước, Ấn Độ đã can thiệp để hỗ trợ Ai Cập đang gặp khủng hoảng và cho phép vận chuyển 61.500 tấn tới nước này. Hơn 50 công ty Ấn Ðộ hiện hoạt động tại Ai Cập với tổng vốn đầu tư 3,15 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 38.000 lao động Ai Cập.
Động lực địa chính trị
Đối với Ai Cập, điều quan trọng hơn hướng đến đa dạng hóa quan hệ đối tác bên ngoài khối phương Tây. Còn đối với Ấn Độ, các nhà quan sát cho rằng nước này đang củng cố vị thế là tiếng nói của Nam bán cầu khi nước này chuẩn bị tổ chức cuộc họp G20 vào tháng 9 tại thủ đô New Delhi.
Fazzur Rahman Siddiqui, nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA), New Delhi, nói với Al Jazeera: “Kể từ khi ông Modi lên nắm quyền, Ấn Độ đã cố gắng mở rộng phạm vi tiếp cận chính sách đối ngoại của mình. Ấn Độ đã mở gần 20 nhiệm vụ mới trên lục địa châu Phi”, Siddiqui nói.
Ông cho biết bằng cách liên minh với Ai Cập, Ấn Độ có thể tiếp cận sâu hơn với thế giới Ảrập, châu Phi và tiếp cận sâu hơn nhiều với Israel. Sau khi đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào tháng 12.2022, Ấn Độ đã mời Ai Cập tham gia với tư cách “quốc gia khách mời”.
Còn về phần mình, Ai Cập đã mất tiếng nói trong các vấn đề khu vực như ở Palestine, Ethiopia và nhiều nước châu Phi trong những năm qua. Và Ai Cập hiện đang nhìn ra ngoài lục địa, và Ấn Độ tình cờ trở thành tiềm năng cho tầm vóc đang phát triển của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hindustan Times của Ấn Độ vào tuần trước, Đại sứ Ai Cập tại Ấn Độ, Wael Mohamed Awad Hamed, đã gọi các chuyến thăm là “những yếu tố thay đổi cuộc chơi”. Ông nói: “Chúng ta có thể củng cố vị thế của nhau trên trường quốc tế. Chúng ta đang mang đến cho Ấn Độ một cơ hội rất hứa hẹn để lấy Ai Cập làm bàn đạp tiến tới ba khu vực - châu Âu, Trung Đông và toàn bộ châu Phi. Với việc triển khai kết nối trực tiếp giữa Cairo và New Delhi, cùng với khả năng có một khu công nghiệp cho Ấn Độ ở Ai Cập - đây là tất cả những điều sẽ thực sự củng cố mối quan hệ của chúng ta và đưa chúng đến những chân trời mới”.
Nhìn xuyên vào mối quan hệ Ấn Độ - Ai Cập, chuyên gia Mohammed Soliman của Viện Trung Đông (MEI) bình luận rằng: châu Á đang trải qua một sự chuyển đổi địa chính trị mang tính lịch sử thế giới. Sự trỗi dậy của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tư cách là một hệ thống địa kinh tế và địa chính trị gắn kết trùng khớp với sự trỗi dậy của một cụm từ từng được nhiều nhà phân tích gọi trước đây - “khu vực Ấn Độ Dương-Abraham” - một trật tự xuyên khu vực mới nổi kết nối Ấn Độ với Tây Á và Đông Địa Trung Hải. Cho đến nay, sự rộng lớn về mặt địa lý của châu Á đã khiến lục địa này bị chia cắt về chính trị và kinh tế. Bằng cách định hình lại quan hệ song phương của mình, Cairo và New Delhi có thể nắm bắt cơ hội chiến lược để liên kết Ấn Độ Dương - Abraham với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ đó hiện thực hóa hệ thống Tây Á được hình dung này.
Điều này cũng từng được chính Thủ tướng Modi nhấn mạnh tại cuộc gặp hồi tháng 1 với Tổng thống el-Sisi: "Ấn Độ và Ai Cập nằm ở 2 phía của biển Ảrập. Sự hợp tác chiến lược giữa hai nước sẽ giúp thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong toàn khu vực".