Trúng đối tượng, đúng vấn đề

- Thứ Sáu, 01/04/2022, 07:05 - Chia sẻ

Tính đến thời điểm này, 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Trang thông tin/Cổng thông tin điện tử. Tại các Trang thông tin/Cổng Thông tin này đều đã công bố, cập nhật kịp thời các thông tin hoạt động chỉ đạo, điều hành, các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước, đăng tải dự thảo văn bản. Ngoài ra, tại hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Website các bộ, ngành, địa phương đều có mục hệ thống văn bản pháp luật, chuyên mục góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, có rất nhiều văn bản pháp luật quy định, nhất là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ việc lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp văn bản khi ban hành rồi, các đối tượng liên quan mới “tá hỏa” cho ý kiến, xin lùi thời hạn có hiệu lực vì chưa… được tiếp cận dự thảo văn bản. Cũng không hiếm, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã hết thời hạn góp ý nhưng không có lượt ý kiến góp ý như: Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 28/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP…

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027". Dự thảo Đề án tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách; Phát huy vai trò chủ động của cơ quan chủ trì soạn thảo trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách…

Quá trình lấy ý kiến, xây dựng Dự thảo đa phần các bộ, ngành, địa phương đều đồng ý sự cần thiết. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, các quy định liên quan đến vấn đề này đều đã đầy đủ, đã rõ, và những điều kiện nguồn lực để triển khai quy định đều đã có (hầu khắp các bộ, ngành, địa phương đã có Trang/Cổng thông tin...). Vấn đề đặt ra là vì sao dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa đến được với các đối tượng liên quan? Vì truyền thông chưa đúng, chưa trúng những vấn đề người dân quan tâm hay cách thức truyền thông chưa đến?

Và, trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ số thì với cách làm cũ, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, đăng tải toàn văn dự thảo liệu có còn phù hợp? Cơ quan chủ trì soạn thảo cần thay đổi hình thức, phương thức tổ chức lấy ý kiến; chọn những vấn đề nóng, liên quan đến nhiều đối tượng liên quan thay vì đăng tải toàn văn dự thảo với những thuật ngữ pháp lý chuyên ngành, khó hiểu, khó tiếp cận. Đồng thời, phải lựa chọn đối tượng truyền thông, từ đó xác định rõ nội dung cần truyền thông; tận dụng mạng xã hội để truyền thông những vấn đề có tính ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng. Ngoài ra, việc tiếp thu, trả lời các ý kiến góp ý cũng cần phải làm một cách rõ ràng, trách nhiệm, tránh để người dân chán chẳng buồn góp ý vì không được tiếp thu, phản hồi.

Phạm Hải