Điều tra, luận tội, xét xử

- Chủ Nhật, 19/12/2021, 06:44 - Chia sẻ
Tại Hội nghị Lập hiến ở Philadelphia năm 1787, nhà lập quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin có nói rằng, trong lịch sử, việc truất phế các viên chức hành chính không được ủng hộ từng được thực hiện bằng hình thức ám sát. Franklin đề nghị rằng cần một cơ chế hợp pháp cho việc truất phế là hình thức luận tội. Cũng như vậy ở nhiều nước khác, điều tra, xét xử, luận tội là hình thức giám sát cao nhất và nghiêm khắc nhất mà cơ quan lập pháp có thể thi hành đối với nhánh hành pháp.

Luận tội

Luận tội (Impeachment) là một quyền lực của ngành lập pháp Mỹ, được dùng đến để chính thức truy tố một viên chức dân sự của chính phủ vì những hành động phạm pháp thực hiện trong khi đang tại chức. Luận tội có thể nói là tương ứng với các bước truy tố phạm nhân tại các tòa án thông thường trong khi việc xét xử thì tương ứng với việc xử án trước một thẩm phán và bồi thẩm đoàn tại các tòa án thông thường. Thông thường, Hạ viện sẽ tiến hành luận tội và thượng viện sẽ tiến hành xét xử.

Tại cấp liên bang, Điều khoản 2 Hiến pháp Hoa Kỳ (đoạn 4) quy định: "Tổng thống, Phó tổng thống, và các viên chức dân sự khác của Hoa Kỳ sẽ bị truất phế dựa trên sự luận tội vì bị kết án là phản quốc, hối lộ hay các tội nặng nhẹ khác”. Hạ viện là nơi có quyền duy nhất luận tội trong khi đó Thượng viện Hoa Kỳ là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả những vụ luận tội. Việc truất phế các viên chức bị luận tội là tự động nếu bị xét xử là có tội tại Thượng viện. Luận tội có thể xảy ra tại cấp bậc tiểu bang. Các cơ quan lập pháp tiểu bang có thể tiến hành luận tội các viên chức của tiểu bang trong đó gồm có thống đốc tiểu bang dựa theo hiến pháp của tiểu bang.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc luận tội được xem như một quyền lực chỉ sử dụng cho các vụ việc nghiêm trọng. Hạ viện Hoa Kỳ thực sự khởi sự thủ tục luận tội chỉ có 62 lần kể từ năm 1789. Có hai vụ không đi đến giai đoạn xét xử vì các cá nhân đáng ra bị luận tội đã rời nhiệm sở.

Luận tội Tổng thống là một trong những thủ tục phức tạp và hiếm khi được sử dụng ở Mỹ cũng như nhiều nước khác. Nhưng “Tổng thống không đứng trên luật pháp”, và thực tế thủ tục này đã từng được áp dụng. Ông Donald Trump là Tổng thống phải đối mặt với bản án luận tội của Hạ viện Mỹ vào năm 2019. Trước đó, mới chỉ có 2 tổng thống Mỹ bị luận tội là Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1999, nhưng không ai bị phế truất.

Nghị viện Anh có thể luận tội các quan chức cấp cao của bộ máy hành pháp. Nghị viện có thể truy tố các bộ trưởng về hoạt động, hành vi của họ. Hạ viện tiến hành các thủ tục truy tố, Thượng viện xét xử và kết tội. Thủ tục này có thể buộc các quan chức phải chịu các hình phạt giam giữ, thậm chí là tử hình. Ngoài ra, các ủy ban của Hạ viện cũng có quyền điều tra một hoạt động, lĩnh vực cụ thể của Chính phủ. Các ủy ban này có quyền thu thập bằng chứng và triệu tập nhân chứng để phục vụ điều tra.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, tiến hành luận tội Tổng thống cần thông qua ba bước khá ngặt nghèo. Thứ nhất, các thành viên Quốc hội cần tiến hành bỏ phiếu biểu quyết đề xuất tiến hành phiên luận tội Tổng thống. Nếu số phiếu biểu quyết quá bán thì phiên luận tội mới được đệ trình. Thứ hai, đề xuất luận tội được trình lên sau 24 giờ, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết lần hai. Lần này, đề xuất chỉ được thông qua nếu nhận được 2/3 số phiếu biểu quyết. Cuối cùng chính là việc biểu quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao. Trong số 9 thẩm phán tham gia bỏ phiếu, phải ít nhất có 6 phiếu ủng hộ, đề xuất mới được thông qua. Như vậy, thủ tục luận tội Tổng thống mới được hoàn thành.

Ở Pháp, khi các thành viên Chính phủ phạm tội, Nghị viện có thể thành lập tòa án cấp cao để xét xử. Các thành viên của tòa án cấp cao được lựa chọn trong số các nghị sĩ của cả hai viện. Nếu Tổng thống phạm tội phản quốc hoặc âm mưu xâm hại an toàn của nhà nước, tòa án này cũng có thể xét xử cả Tổng thống sau khi có sự nhất trí của đa số nghị sĩ trong cả hai viện.

Đồi Capitol - nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ

Nguồn:ITN 

Ủy ban Điều tra

Để thực hành thủ tục luận tội hoặc điều tra về một cáo buộc nào đó đối với hành pháp, các nghị viện có thể thành lập Ủy ban Điều tra để thu thập thông tin.

Tại Quốc hội Pháp, đây hoàn toàn là sáng kiến của cơ quan lập pháp được thực hiện theo kiến nghị của một hay một vài đại biểu. Kiến nghị này phải nêu được lý do thành lập và mục tiêu của việc điều tra. Sau đó, kiến nghị sẽ được chuyển tới một Ủy ban thường trực và Ủy ban này sẽ nhận được báo cáo sau một tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị này. Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết tại phiên họp toàn thể. Quy trình này cũng tương tự như quy trình thủ tục lập pháp thông thường.

Việc thành lập Ủy ban Điều tra cũng là một công cụ giúp Quốc hội có được thông tin đầy đủ về các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đối ngoại. Việc thành lập ủy ban điều tra phải do Chủ tịch Nghị viện đề xuất. Các thành viên của Ủy ban Điều tra được phân bổ theo tương quan giữa các đảng phái chính trị trong Nghị viện. Ủy ban Điều tra chỉ có quy chế hoạt động tạm thời. Ủy ban sẽ giải tán sau 6 tháng điều tra hoặc sẽ phải ngừng hoạt động khi có văn bản khởi tố vụ việc đang bị Ủy ban Điều tra xem xét. Chính hai điều kiện ràng buộc này đã hạn chế vai trò của ủy ban điều tra bởi: Thứ nhất, Chính phủ hoàn toàn có thể thúc đẩy một cuộc điều tra tư pháp nhằm đình chỉ hoạt động ủy ban điều tra. Thứ hai, thời hạn 6 tháng là quá ngắn đối với các hồ sơ quan trọng. Hơn nữa, Ủy ban Điều tra không có quyền đưa ra quyết định mà chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị dựa trên báo cáo điều tra.

Đạt Quốc