Điều nên làm với nông thôn mới!

- Thứ Ba, 29/06/2021, 05:18 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp đầu tiên dự kiến vào tháng 7 tới, Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Do “chân ướt chân ráo” tiếp nhận phần việc này từ Ủy ban Tài chính và Ngân sách nên Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước khi tiến hành phiên họp toàn thể để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ. Trong cả 2 cuộc họp, tất cả các ý kiến đều nhất trí rằng cần phải tiếp tục thực hiện chương trình này. Dù bộ mặt nông thôn đã khởi sắc rõ rệt sau 10 năm triển khai chương trình với 64,1% số xã đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng, gấp 1,8 lần năm 2015 và gấp 3,35 lần năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 5,6%... thì chừng đó cũng là chưa đủ. Hành trình chăm chút cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước để không chỉ tăng thu nhập mà còn nâng tri thức của người nông dân; hạ tầng khang trang hơn nhưng văn hóa làng xã vẫn còn nguyên đó; để nông thôn không chỉ mới hình thức mà phải cả “nội dung”…

Có rất nhiều băn khoăn về hình hài của chương trình trong 5 năm tới, trong đó câu chuyện "tiền đâu" được đặc biệt quan tâm? Để hoàn thành đầy đủ các mục tiêu chương trình đặt ra trong 5 năm tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán ngân sách cần bố trí 51.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương chỉ bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng. Như vậy, 2 phương án chênh lệch nhau 11.868 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trường hợp ngân sách chỉ bố trí 39.632 tỷ đồng, Chương trình sẽ đạt được các mục tiêu cơ bản vào năm 2025 như: 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ cho khoảng 2.500 xã đã đạt chuẩn nâng cao chất lượng các tiêu chí đi vào chiều sâu và bền vững.

Nếu có thêm 11.868 tỷ đồng, Chương trình sẽ hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn (hầu hết có điều kiện kinh tế khó khăn) để có đủ nguồn lực phấn đấu đạt chuẩn; hoàn thành mục tiêu có 40% số xã và 20% số huyện đạt chuẩn nâng cao. Ngoài ra, bố trí khoảng 2.050 tỷ đồng thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu.

Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, “chúng ta không tiếc tiền, chỉ tiếc là không có tiền!”. Mặc dù thu ngân sách nửa đầu năm nay là một điểm sáng bất chấp dịch bệnh phức tạp nhưng xu thế này không biết có kéo dài được tới cuối năm! Trong trung hạn, thu ngân sách hứa hẹn vẫn tăng nhưng chắc chắn không có đột biến vì nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và mất rất nhiều thời gian để hồi phục. Ngược lại, áp lực chi ngân sách lại lớn hơn vì ngoài các khoản chi an sinh xã hội còn có nhiều khoản nợ công đến hạn phải trả. Trong mọi tình huống kỷ luật tài khóa cần được duy trì, ngưỡng nợ công/GDP cần thiết phải được giữ vững nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô và an toàn tài chính cho dài hạn.

Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy, việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Chính phủ nghiên cứu, tìm nguồn bố trí tăng 11.868 tỷ đồng cũng khó khả thi, chưa kể còn bị Luật Đầu tư công “cấm”. Định hướng huy động từ người dân và đặc biệt là hợp tác công - tư (PPP) cũng có thể sẽ “thất bại” bởi đây không phải lĩnh vực “hấp dẫn”. Nếu lạc quan quá đà, có thể dẫn tới rủi ro là mục tiêu không đạt được nhưng nợ xây dựng cơ bản lại tăng lên.

Ai cũng muốn đầu tư nhiều cho nông thôn để người nông dân được thụ hưởng nhiều hơn nhưng khi ngân sách không rổn rảng có lẽ điều nên làm vẫn là “liệu cơm gắp mắm”.

Cẩm Phô