Điều hành chính sách linh hoạt

- Thứ Hai, 28/06/2021, 06:22 - Chia sẻ
Sau một năm rưỡi đại dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp lớn nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đã phải gồng mình chống chọi với các đợt giãn cách xã hội chống dịch mà thực chất là đóng cửa kinh doanh. Nguồn lực của họ đang dần cạn kiệt trong khi các gói hỗ trợ chưa phát huy hết tác dụng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương trình Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch, kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV tới đây, cùng công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, trong đó, cần xem xét tổng thể, toàn diện các giải pháp ứng phó với đại dịch trong thời gian tới như thế nào, có chính sách hỗ trợ mới ra sao…

Báo cáo “World Economic Outlook: Managing Divergent Recoveries” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 4 cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu mang tính bất định cao do liên tục xuất hiện những biến chủng mới của SARS-CoV-2, như Delta Plus chẳng hạn, đang khiến đại dịch diễn biến phức tạp hơn tại nhiều nước, thậm chí đe dọa tính hiệu quả của vaccine, kéo dài đại dịch và hiệu quả của những chính sách hỗ trợ, khả năng của ngân sách và tính thích ứng của từng nền kinh tế. IMF cho rằng, việc tăng - giảm các yếu tố này trong bối cảnh những điều kiện khác nhau của các quốc gia sẽ xác định quy mô tổn thất kinh tế trong trung hạn cũng như tốc độ phục hồi kinh tế. Cũng do tính bất định của triển vọng kinh tế toàn cầu nên các quốc gia cần có cơ chế, chính sách dựa trên tình hình thực tế và các mục tiêu cụ thể của mình để điều hành, không quá phụ thuộc vào tình hình chung của thế giới.

Đối với Việt Nam, các vấn đề cần lưu ý chính là tiếp tục củng cố, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện trợ cấp mất việc làm cho người lao động và hỗ trợ thiết thực cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người lao động ở khu vực kinh tế không chính thức. Một trong những bước đầu tiên trong quá trình xây dựng chính sách là xác định xem chương trình sẽ đem lại lợi ích gì cho các đối tượng được hưởng chính sách, trợ cấp bao nhiêu tiền, trong điều kiện nào, trong bao lâu… Bên cạnh đó, tiếp tục bố trí đủ nguồn lực tài chính cho lĩnh vực y tế, nhất là các chương trình tiêm chủng cũng như nghiên cứu phát triển vaccine nội địa để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Các cơ chế, chính sách dự kiến được ban hành tới đây có lẽ cũng cần mang tính linh hoạt, uyển chuyển, công bằng, minh bạch trước diễn biến nhanh chóng của tình hình và yêu cầu điều hành phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, nhất là khi việc kiểm soát, đẩy lùi, bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh và phục hồi kinh tế rất khác nhau giữa các vùng miền, địa phương, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

Ví dụ, trong trường hợp dịch bệnh được đẩy lùi theo tiến độ tiêm phòng vaccine đạt tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng, xã hội dần được mở cửa trở lại, thì thay vì hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, người lao động, có thể chuyển sang cơ chế phân phối lại các nguồn lực quốc gia cho tăng trưởng kinh tế, hướng các chính sách tới bảo đảm ổn định vĩ mô, giảm thiểu rủi ro tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế dựa trên chi phí gia nhập thị trường, tổ chức sản xuất kinh doanh, logistics, chi phí vốn vay, thuê đất… hợp lý.

Tăng chi tiêu công qua việc sớm hoàn thành giải ngân theo tiến độ các nguồn vốn của giai đoạn 2016 - 2020 cũng như sớm bố trí vốn theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nhất là đối với các công trình, dự án quan trọng quốc gia, mà Quốc hội Khóa XV tới đây sẽ xem xét, thông qua cũng là một trong các giải pháp kích cầu đầu tư quan trọng hậu đại dịch.

Việc thông tin đầy đủ, kịp thời về các chính sách mới gắn với thực thi, điều hành và phối hợp tổng thể, lồng ghép các chính sách là rất quan trọng để bảo đảm mức độ thành công, tính hiệu quả thực tế cao của chính sách như đã được thiết kế, cân nhắc cẩn thận trong bài toán chi phí hiệu quả, tạo tác động tích cực nhất tới phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.  

TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách