Điều cuối cùng còn lại

- Thứ Năm, 22/10/2020, 07:04 - Chia sẻ
Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầy tính nhân văn của văn hào Pháp Victor Hugo, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã xây dựng vở nhạc kịch cùng tên “Những người khốn khổ”, nhằm đề cao tình đoàn kết, yêu thương và niềm tin vào tương lai...

Xóa nhòa khoảng cách

Những ngày này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đang tập luyện vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, dự kiến công diễn lần đầu ngày 21 - 22.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, vở nhạc kịch được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp. Giám đốc VNOB, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, “Những người khốn khổ” phiên bản Việt xoay quanh câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hy sinh và chuộc tội. Một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian và thời gian, ranh giới về sắc tộc và văn hóa đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại điều duy nhất là tình người.

Đạo diễn Nguyễn Triều Dương (áo trắng) cùng các diễn viên tập luyện vở nhạc kịch "Những người khốn khổ"
Ảnh: Thành Trung

“Những người khốn khổ” đã được chuyển thể sang sân khấu và trình diễn ở 42 quốc gia, sử dụng 21 thứ tiếng, đồng thời giữ kỷ lục là vở nhạc kịch được diễn liên tục lâu nhất ở chuỗi nhà hát West End, London (Anh), với phần âm nhạc do nhạc sĩ Claude-Michel Schonberg biên soạn. Quyết định xây dựng vở nhạc kịch này, VNOB cố gắng lưu giữ tinh thần của tác phẩm, cả về âm nhạc, trang phục, tên nhân vật, cốt truyện... Đảm nhiệm vai trò đạo diễn, nghệ sĩ Nguyễn Triều Dương cho biết để đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát, diễn và tổng thể sân khấu, đối với vở “Những người khốn khổ” không đơn giản.

“Bởi quy mô tác phẩm văn học đã rất đồ sộ, khó truyền tải hết giá trị của nó trong một vở nhạc kịch. Hơn nữa, với con mắt đạo diễn, tôi nhìn ra những hạn chế của sân khấu 2D thách thức mình phải làm cái gì đó mới đi”. Nhận định như vậy, đạo diễn Nguyễn Triều Dương phân tích, sân khấu truyền thống mang tính trực diện, rất khó đáp ứng yêu cầu của một vở nhạc kịch lớn như “Những người khốn khổ”. Vì có rất nhiều phân cảnh thay đổi liên tục, nhanh, từ nhà tù ra cánh đồng, nhà thờ, khu rừng, quán rượu, con phố... Do vậy, thay vì kiểu hạ màn, vén màn thông thường, vở nhạc kịch được xây dựng xuyên suốt nhờ cách dàn dựng không gian 3 chiều.

“Tôi sẽ ‘mượn’ một phần bộ não của khán giả, tức là nhờ một số tình tiết trên sân khấu để khán giả liên tưởng đến điều đó. Tôi lựa chọn cách dựng tối giản và mang tính biểu tượng, dựa trên những yếu tố sắp đặt để giúp người xem dễ liên tưởng, hiểu được mình đang ở đâu. Nói sâu hơn về sân khấu, tôi muốn xóa nhòa không gian, thời gian. Có thể đó là nước Pháp của Victor Hugo, đó cũng có thể là bất kỳ nơi nào trên thế giới, là nơi mỗi người đều có thể thấy chính mình”, đạo diễn Nguyễn Triều Dương tiết lộ.

Vì tình thương con người

Tham gia vở nhạc kịch là những tên tuổi lớn của opera Việt Nam như Đào Tố Loan, Huy Đức, Trần Trang Sao Mai, Bùi Trang... cùng một số nghệ sĩ ngoại quốc đang sinh sống tại Việt Nam là thành viên dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Tính quốc tế hóa đó là cách để VNOB hướng vở nhạc kịch đến tinh thần đoàn kết của các dân tộc trên toàn thế giới, thể hiện tình người, niềm tin yêu cuộc sống và nỗ lực vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

Quy tụ gần 60 nghệ sĩ, 12 người trong số đó là diễn viên chính, quả là thách thức khi dàn dựng vở nhạc kịch. Tuy nhiên, thách thức còn ở chỗ nhạc kịch là loại hình khá mới mẻ tại Việt Nam. Các ca sĩ Việt Nam thường được đào tạo thanh nhạc để hát opera nên khi diễn nhạc kịch, họ không có những kỹ năng như nhảy múa, diễn xuất. Đạo diễn Nguyễn Triều Dương cho biết, để khắc phục điểm yếu này, bên cạnh bố trí sân khấu thì việc truyền cảm hứng cho diễn viên rất quan trọng. Ngoài tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng tập luyện với cường độ cao của êkíp thực hiện, cảm hứng đó còn đến từ chính ý nghĩa của vở nhạc kịch.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, cho dù gặp nhiều dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch và đàm phán bản quyền, thế nhưng VNOB vẫn quyết định đưa vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” lên sân khấu. Bởi lẽ, ý nghĩa mà vở nhạc kịch mang tới cho công chúng là thông điệp cần thiết hiện nay, và nghệ sĩ có sứ mệnh lan truyền điều đó. Chính điều ấy đã thôi thúc đạo diễn Nguyễn Triều Dương nhận lời dàn dựng vở nhạc kịch. Anh chia sẻ, thời gian sống ở nước ngoài, giữa bối cảnh đại dịch căng thẳng, có ngày mở cửa ra và nhận được những mẩu giấy ghi ‘tôi sống ở cách bạn 2 - 3 nhà, nếu bạn ốm hay cần gì ăn thì hãy gọi điện cho tôi theo số này…’. Niềm xúc động ấy khiến nghệ sĩ phải làm gì đó, cất lên tiếng nói vì tình thương con người.

“Chúng ta đã cùng trải qua khoảng thời gian khá lạ với cả thế giới khi phải đối diện với Covid-19. Và chúng ta cũng có những câu chuyện rất cảm động về tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau giữa người với người. Những sáng tạo nghệ thuật, nội dung của câu chuyện trên sân khấu “Những người khốn khổ” sẽ kể với mọi người là thế. Để ai nấy hiểu rằng, tất cả chúng ta đều có những khốn khổ riêng, dù ở thế kỷ nào, thời đại nào, nhưng điều cuối cùng còn lại là gì, nếu không phải là tình yêu thương, là tính nhân văn cứ đáp đền tiếp nối từ người này sang người kia, không cần quan hệ gì về máu mủ” - đạo diễn Nguyễn Triều Dương chia sẻ.

Hải Đường