Điều cử tri mong đợi

- Thứ Sáu, 28/08/2020, 05:23 - Chia sẻ
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước nói chung, của Quốc hội nói riêng luôn được đặt ra. Trong đó, vai trò của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội phụ thuộc vào uy tín, năng lực và kết quả hoạt động của chính các đại biểu Quốc hội.

"Nhân vật trung tâm" của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội được quy định trong luật như sau: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”. 

Khi nói đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân là nói đến ý chí chung, mục tiêu chung, chứ không phải là ý chí, mục tiêu của riêng một hoặc một số thành phần xã hội nào. Và khi nói người đại biểu chịu trách nhiệm trước nhân dân là nói đến trách nhiệm phải tuân theo, phụng sự ý chí và mục tiêu chung này. Trong lễ ra mắt của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bầu từ cuộc tổng tuyển cử lịch sử ngày 6.1.1946, Hồ Chủ tịch đã nói: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã “kết thành một khối”".

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, ngày 19.6.2020.
Ảnh: Quang Khánh

Vị trí của đại biểu Quốc hội xác định trong mối liên hệ giữa Nhà nước với nhân dân, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cơ quan Nhà nước để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành các quy định của Hiến pháp, của luật và giám sát việc thực hiện các quy định đó… Cũng chính đại biểu Quốc hội là người phổ biến, động viên nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội.   

Đại biểu Quốc hội gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước. Đây là một trong những tiêu chuẩn mà đại biểu Quốc hội cần có và phải làm tốt. Vai trò gương mẫu của đại biểu Quốc hội phải được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Đại biểu Quốc hội phải quán triệt và thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác của mình tại cơ quan nơi đại biểu công tác, tại nơi ở và gia đình.  Đại biểu Quốc hội phổ biến những quy định mới của pháp luật; giải thích cho nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào đường lối, chính sách, tích cực thực hiện các quy định của pháp luật; tuyên truyền để vợ con, người thân trong gia đình mình gương mẫu chấp hành pháp luật. Qua đó, đại biểu cũng nắm được những vướng mắc trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, kịp thời phản ánh với các cơ quan có trách nhiệm để có biện pháp giải quyết.

Gắn bó mật thiết với cử tri

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Để thực hiện được vai trò, trách nhiệm của mình, đại biểu Quốc hội cần đi sâu, đi sát cử tri, liên hệ chặt chẽ, gắn bó với cử tri, lắng nghe ý kiến của cử tri; thu thập, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri với cơ quan nhà nước; đề nghị cơ quan nhà nước hữu quan nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của cử tri; biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành các quy định của nhà nước mang tính bắt buộc chung (Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội).

Trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội của đại biểu Quốc hội ở chính sự gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật trong sinh hoạt cộng đồng, trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và việc tuyên truyền, phổ biến cũng như động viên nhân dân chấp hành pháp luật… Đồng thời, pháp luật cũng xác định rõ quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động chung của Quốc hội, đó là tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu Quốc hội là thành viên; thực hiện quyền trình dự án luật, pháp lệnh, quyền chất vấn, kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội có chuyên trách và có kiêm nhiệm. Đối với đại biểu kiêm nhiệm thì phải hoàn thành hai vai trò nhiệm vụ, vừa nhà lập pháp lại vừa thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên quyền hạn và trách nhiệm cũng song hành. Đại biểu Quốc hội đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đã được tổ chức đảng và cơ quan, tổ chức xem xét, giới thiệu ra ứng cử để làm đại biểu nên phải ý thức được trọng trách trước dân, trước Đảng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch của dân, do dân và vì dân.

Những nhiệm kỳ gần đây, luôn có một tỷ lệ đáng kể đại biểu tự ứng cử, đại biểu là doanh nhân hay luật sư… tham gia ứng cử. Nhưng đại biểu được cử tri bầu chọn đã tích cực tham gia hoạt động trong cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, luôn đề cao trách nhiệm trước cử tri thực hiện nhiệm vụ đại biểu, gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật; nêu gương trong đời sống cá nhân và sinh hoạt cộng đồng; tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tuyên truyền, phổ biến cũng như động viên nhân dân chấp hành pháp luật… Nhân dân giám sát hoạt động của đại biểu và sẽ lựa chọn những người xứng đáng để bầu làm người đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, trao gửi niềm tin nơi các đại biểu Quốc hội trong xây dựng chính sách đúng, ban hành luật pháp nghiêm và giám sát, đánh giá công minh hoạt động của các cá nhân, cơ quan trong bộ máy nhà nước...

Nguyễn Nhân Tỏ